Ghi nhận của phóng viên tại vùng trồng đào Nhật Tân ở thị xã Buôn Hồ, những ngày giáp Tết, vùng trồng hoa đào của tỉnh Đắk Lắk trở nên nhộn nhịp, từ người trồng đến thương lái đều tất bật hoàn thiện các khâu cuối cùng để kịp phục vụ thị trường hoa Tết Nguyên đán.
Chị Vũ Thị Hằng, chủ vườn đào Nhật Tân, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk cho biết, gia đình chị là một trong những hộ mang giống đào Nhật Tân ở miền Bắc vào trồng tại địa phương. Đến nay đã gần 20 năm gắn bó với cây đào Nhật tân. Vụ đào Tết năm 2023, gia đình trồng gần 5.000 gốc đào, dù còn hơn mười ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng số lượng đào hiện tại đã có thương lái, khách đặt gần hết. Bên cạnh việc tiêu thụ trong tỉnh, nhiều thương lái cũng đặt hàng và tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên…
"Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự báo thị trường hoa Tết năm nay sẽ sôi động hơn khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và cuộc sống đã trở lại bình thường. Do đó, người trồng hoa Tết nói chung và những hộ trồng đào Nhật Tân nói riêng cũng phấn khởi hơn. Dù thời tiết năm nay có phần bất lợi nhưng với kinh nghiệm của người trồng đào lâu năm thì đảm bảo hoa đào sẽ nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu của khách hàng", chị Vũ Thị Hằng chia sẻ.
Để phục vụ cho thị trường hoa Tết năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hiệu, xã Hoà Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cũng trồng 1,5 sào hoa cúc đại đoá. Theo bà Hiệu, để có sản phẩm hoa chất lượng người trồng hoa phải thực hiện rất nhiều công đoạn chăm sóc kĩ càng trong thời gian gần 4 tháng, từ xuống giống, chăm sóc cho đến khi ra hoa; trong đó, giai đoạn giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhà vườn tất bật nhất, phải làm việc liên tục trong vườn để chăm sóc cho hoa đạt chất lượng và nở đúng thời gian dự tính.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Sung, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông chuẩn bị gần 400 gốc mai từ 5 đến 70 năm tuổi để đưa ra thị trường dịp Tết.
Theo ông Sung, trồng và chăm sóc mai không khó. Tuy nhiên, để có một cây mai đẹp phục vụ nhiều sở thích của đối tượng khách hàng thì ngoài những kỹ thuật thường áp dụng như tỉa cành tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh thì cần lưu ý đến các yếu tố thời tiết, khí hậu… để có sự điều chỉnh, chế độ chăm sóc cần thiết. Thời tiết năm nay tại Đắk Lắk lạnh và mưa kéo dài, do đó hiện các nhà vườn phải theo dõi diễn biến, dự báo thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc, đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Thường, thương lái tại tỉnh Đắk Lắk cho hay, những năm gần đây các loại hoa Tết được tung ra thị trường Đắk Lắk rất phong phú, đa dạng. Từ các loại cây phổ biến như mai, đào, cúc, quýt… đến các loại cây bonsai, cây tiểu cảnh, các loại hoa lan… đều tràn ngập thị trường trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Dự báo năm nay thị trường sẽ sôi động hơn các năm trước và người trồng hoa Tết sẽ có thu nhập ổn định hơn.
Theo kế hoạch, từ ngày 7/1/2023 (ngày 16/12 Âm lịch) đến ngày 21/1/2023 (ngày 30/12 Âm lịch) tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sẽ diễn ra chợ hoa Xuân Quý Mão năm 2023. Việc tổ chức chợ hoa Xuân nhằm tạo không khí phấn khởi, vui tươi phục vụ nhân dân các dân tộc trên tỉnh Đắk Lắk vui Xuân đón Tết. Đây cũng là dịp để trưng bày các mặt hàng hoa Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.