Những ngày này 40 năm trước, Hội nghị Pari về Việt Nam đang đi vào hồi kết, những công việc cuối cùng chuẩn bị cho lễ ký kết Hiệp định đang được chuẩn bị gấp rút. Trong suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari (từ 1968 - 1973) ngoài tên tuổi của những nhà ngoại giao tầm cỡ lớn như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, thì tên của bà Nguyễn Thị Bình (ảnh), nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Pari năm ấy vẫn được nhân dân Việt Nam và thế giới nhắc đến với lòng ngưỡng mộ về một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và đầy bản lĩnh khi đấu tranh trên nghị trường. Sau này, bà đảm nhận cương vị Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thật may mắn khi chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, được nghe bà kể những câu chuyện về bản thân, gia đình và những kỷ niệm của đáng nhớ của bà trong những năm tham gia cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari về Việt Nam.
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết, mẹ bà là con gái thứ hai của Cụ Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng; nhưng bà lại được sinh ra ở tỉnh Sa Đéc, nên được ba má đặt tên là Châu Sa. Ông nội bà là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương. Ông cụ thân sinh ra bà từng đi học Trường công chính tại Hà Nội. Bà ngoại và bà mẹ thân sinh ra bà làm nội trợ gia đình. Tuổi thơ, cha mẹ cho bà đi học ở Trường Lycée Sisowath (Campuchia, nơi gia đình bà sinh sống lúc đó), bà được học tiếng Pháp từ nhỏ đến hết tú tài, và học rất khá. Năm bà 16 tuổi thì mẹ qua đời, để lại bà là chị cả của một đàn em 5 người cả trai lẫn gái..
Năm 1945, gia đình bà về nước, bà cùng cha vất vả lao động để kiếm tiền nuôi các em ăn học, từ đi bán gạo, bán trứng, rồi đi làm gia sư... nhưng bà vẫn tham gia các hoạt động yêu nước như cứu tế nạn đói, tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiến khu... Cha ra chiến khu, bà ở lại thành phố, vừa chăm lo cho các em, vừa hoạt động xã hội, tham gia các phong trào học sinh, sinh viên, phụ nữ yêu nước, vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn ủng hộ cách mạng. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, bà bị bắt, bị tù tại khám Chí Hòa. Năm 1954 vừa ra tù, bà tham gia luôn vào phong trào hòa bình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, cuối năm 1955, tổ chức điều bà ra Bắc. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) ra đời. Năm 1962, tổ chức quyết định cử bà trở lại miền Nam làm Ủy viên TƯ MTDTGPMN, hoạt động mảng đối ngoại (lúc này được tổ chức đặt tên là Nguyễn Thị Bình). Đến năm 1968, bà được cử đại diện đoàn MTDTGPMN tham gia đàm phán Hiệp định Pari. Từ giã chồng và 2 người con, bà lên đường đảm nhận nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách ấy.
Hội nghị Pari về Việt Nam là cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, diễn ra ở Thủ đô nước Pháp bắt đầu từ ngày 13/5/1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973. Trong gần 5 năm, khoảng thời gian dài chưa từng thấy trong lịch sử đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ở Pari đã thực sự góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. |
Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Pari, báo giới phương Tây đã rất ấn tượng với hình ảnh của "madam Bình" (tên mà các nhà báo phương Tây gọi bà khi đó). Họ ấn tượng không chỉ bởi trước mắt họ là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ vùng đất đầy khói lửa chiến tranh nhưng lại có phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng. Bà tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán tới... Bà Nguyễn Thị Bình kể, có những cuộc họp báo quốc tế tới 400 nhà báo, hoặc có lần truyền hình trực tiếp, bà phải trả lời phỏng vấn (bằng tiếng Pháp) với hàng chục phóng viên Pháp, Mỹ. Mặc dù rất căng thẳng, hồi hộp, nhưng lúc nào bà cũng cười thật tươi, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng...
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết, trong thời gian chiến tranh, nước mình rất nghèo, phái đoàn của ta sống rất đạm bạc, chỗ ở, chỗ làm việc cũng hết sức đơn giản, khiêm tốn; tuy nhiên, về phương diện đối ngoại, chúng ta vẫn luôn rất đàng hoàng. Bà vui vẻ kể: “Lúc đó, báo chí phương Tây đòi quay phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi của bà trưởng đoàn, nhưng tôi không dám cho quay, nên đã nói với các phóng viên là tục lệ ở Việt Nam, cái gì riêng tư của phụ nữ là không được công khai, nên không thể cho quay được. Nói vậy chứ thực ra mình từ chối vì chỗ mình ở nghèo nàn quá”. Sau này, nhiều người đến tham quan nơi đoàn ở khi đó, họ nhìn chỗ ngủ, chỗ làm việc của bà cũng như của cả đoàn, họ đã rất cảm động.
Cuộc sống tuy đạm bạc, khó khăn như vậy, nhưng lúc bấy giờ, anh em trong đoàn không ai để ý gì đến chuyện đó, mọi người chỉ nghĩ làm thế nào để có thể đóng góp được công sức cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân mà thôi. Chính vì vậy, các thành viên trong đoàn đều toàn tâm toàn ý, dốc sức để làm tốt nhất nhiệm vụ mình được giao phó.
Nhắc đến những ngày cuối năm 1972, khi Mỹ sử dụng B52 ném bom Hà Nội, bà cho biết: “Những ngày cuối năm 1972, khi Mỹ tiến hành cuộc không kích bằng B52 vào Hà Nội, đoàn ta lo lắm, mà không chỉ ta lo, cả bạn bè thế giới cũng rất lo, vì mọi người đều biết B52 là máy bay chiến đấu mạnh nhất của Mỹ lúc đó. Lúc đó, 2 đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn MTDTGPMN tuyên bố ngừng họp để phản đối cuộc tấn công này. Rồi khi nghe tin ta bắn rơi được B52, bạn bè thế giới và các nước đều hết sức phấn khởi. Ngày 30/12/1972, Mỹ đề nghị nối lại đàm phán và cơ bản chấp nhận dự thảo đã thỏa thuận trước đó với chúng ta. Và đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari chính thức được ký kết” - bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại.
Đối với bà và những người tham gia đàm phán năm ấy, ngày ký kết Hiệp định Pari có lẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong đời. “Khi đặt bút ký vào bản Hiệp định Pari, tôi vô cùng xúc động, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam, Bắc, nghĩ đến những người đã ngã xuống không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, tôi bỗng trào nước mắt. Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi" - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán, ngoài một số lần về nước ngắn ngủi, còn lại hầu như đều ở nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ, vận động, tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Cả mấy cái Tết, bà đều không có mặt bên cạnh chồng con, mà phải ăn Tết ở xứ người. Trong con mắt của mọi người, bà là một Bộ trưởng ngoại giao tài năng, luôn vui vẻ tươi cười, nhưng có mấy ai biết, trong lòng bà vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ chồng, con ở quê nhà. Làm sao mà không nhớ, không lo, bởi khi bà đi, người con lớn của bà mới 8 tuổi, còn con nhỏ mới vỏn vẹn 4 tuổi, cái tuổi đang rất cần vòng tay chăm sóc, yêu thương của người mẹ, nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với đất nước, bà đã phải phó thác các con cho người thân nuôi dưỡng giúp. Mỗi khi nhớ chồng, con, nhất là vào những ngày Tết, bà chỉ còn biết lặng lẽ kìm nén lòng mình… “Lúc đầu, anh em trong đoàn đều nghĩ cuộc đàm phán này chắc sẽ mất khoảng một năm hoặc hơn một chút, chứ không ai nghĩ nó sẽ kéo dài đến gần 5 năm. Nhiều lúc cũng cảm thấy chán vì nó kéo dài quá, nhưng có một điều lạ là trong lòng mọi người đều có một niềm tin, đó là chúng ta sẽ thắng lợi. Cũng nhờ niềm tin ấy mà anh em trong đoàn đã cố gắng” -Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Hiệp định Pari ký ngày 27/1/1973, nhưng bà cùng những người trong đoàn vẫn chưa được về nước, mà còn phải ở lại tổ chức Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Pari, 4 bên tham gia Hiệp định, đại diện 12 nước và khách mời là Tổng thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim. Tất cả các nước tham dự Hội nghị đã ký vào một bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế Hiệp định Pari về Việt Nam và đảm bảo cho Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh. Kết thúc Hội nghị quốc tế, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về nước, còn đoàn MTDTGPMN do bà làm Trưởng đoàn tiếp tục ở lại để cùng đoàn Việt Nam Cộng hòa họp hai bên, để đi đến thành lập một chính phủ 3 thành phần, tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam và xác định chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam, cho nên mãi đến tháng 4/1973 bà mới được trở về Việt Nam, tiếp tục công việc của Bộ trưởng Ngoại giao. Sau này bà đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiệp định Pari được ký kết là thắng lợi vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi ấy là kết quả của 30 năm ròng rã với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ, những người đã đổ xương máu trong 2 cuộc chiến tranh trường kỳ giải phóng dân tộc và là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh gian khổ ấy.
Phương Lan