Người Mông Yên Bái ăn Tết cổ truyền của dân tộc

Những ngày cuối năm, đất trời nơi vùng cao Yên Bái như bừng tỉnh, bầu trời trong xanh, từng đàn chim én tung tăng nhào lộn, trên các triền núi cao, những bông hoa Tớ dày (hoa đào rừng) đã bắt đầu nở rộ.

Ngày hội du xuân của đồng bào Mông ở Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái.

Đó đây, những cây đào, cây mận cũng lấm tấm vài nụ hoa báo hiệu mùa xuân đã về. Năm nay, người Mông nơi vùng cao Yên Bái, đã lùi thời gian ăn Tết lại để cùng vui chung một Tết cổ truyền của dân tộc, với đồng bào người Kinh, Tày, Thái, Mường... Điều đó cho thấy, chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái, vận động đồng bào Mông ăn chung một Tết cổ truyền của dân tộc đã đi vào cuộc sống của nhân dân.

 

Ông Hoàng Đức Quế, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Cuối năm 2012, Yên Bái đã thực hiện chủ trương vận động đồng bào Mông ăn Tết Nguyên đán cùng với cả nước cho phù hợp với điều kiện sản xuất và học tập của các em học sinh và nhân dân mà đi đầu là huyện Trạm Tấu. Qua đó đã từng bước thay đổi được cách nghĩ, cách làm của đồng bào người Mông nơi đây. Bước vào dịp Tết này, cuộc vận động đã đi vào cuộc sống của đồng bào người Mông trên toàn địa bàn các huyện vùng cao trong tỉnh. Bởi lẽ, Tỉnh ủy Yên Bái đã đưa ra nhiều chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân trong phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao. Khi thực hiện chủ trương vận động để thay đổi tập quán ăn chung một Tết cổ truyền của dân tộc đối với đồng bào người Mông dẫu rằng rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được. Ông Quế còn cho biết thêm, việc người Mông lùi thời gian lại để ăn chung một Tết, không hề mất đi bản sắc văn hóa của họ, ngược lại mọi phong tục tập quán đều được giữ gìn, chỉ có điều thời gian lùi lại mà thôi.

 

Trước đây, người Mông ăn Tết theo "Lịch mặt trăng", nhưng có sự xê dịch so với lịch âm là không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày, đếm theo thứ tự cứ đến ngày thứ 361 là ngày mồng 1 “Tết của một năm”. Như vậy năm nhuận của Lịch Âm thì Tết Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán hàng tháng trời. Theo cách tính của lịch Mông, cuối tháng Con Bò hoặc đầu tháng Con Hổ tương đương với tháng 1 hoặc tháng chạp (tính theo con giáp) là các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí Tết. Đó là khi mùa màng xong, "ngô lúa đã đầy bồ, lợn gà đầy sân, cỏ khô đã chuẩn bị cho bò, ngựa"... Việc ăn Tết cổ truyền của người Mông mang nặng tính cộng đồng, dòng họ, gắn liền với tín ngưỡng của dòng họ mang tính nội tộc là chủ yếu. Vì vậy không phải ai cũng được mời đến ăn Tết hoặc tự tiện đến chúc Tết gia đình. Tết là dịp những người cùng dòng máu, ruột thịt, cùng dòng họ về gặp nhau nhận họ, ăn uống, chúc tụng... và kéo dài cả tháng trời, như vậy, rất mất thời gian cho lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của những người là cán bộ công chức và học hành của học sinh.

Tiếng khèn mùa xuân.

Như những năm trước, thời gian này của năm nay lẽ ra người Mông đang ăn Tết, nhưng năm nay, thay vào đó là không khí hăng say sản xuất để thu hoạch một vụ mùa bội thu. Bởi, từ năm 2009 đến nay tỉnh Yên Bái đã thực hiện chủ trương, đưa cây ngô đồi vào thay thế diện tích trồng lúa nương kém hiệu quả cho đồng bào các huyện vùng cao. Qua quá trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đến nay chủ trương đã trở thành hiện thực. Mỗi vụ trồng lúa nương nay đồng bào vùng cao Yên Bái đã thay thế bằng hai vụ ngô đồi, tính ra thu nhập cao tới 7 đến 8 lần so với trồng lúa nương. Nhờ đó cuộc sống của đồng bào vùng cao Yên Bái, trong đó có người Mông đang từng bước được đổi thay. Đến thời điểm này, cũng là lúc người Mông đang bận rộn với việc thu hoạch ngô vì vậy Yên Bái đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo để vận động người Mông lùi thời gian lại để ăn chung một Tết cổ truyền của dân tộc. Nhận thấy được các chủ trương của tỉnh đều đem lại lợi ích thiết thực cho người Mông vì vậy đồng bào đã nghe theo.


Để mục sở thị, chúng tôi đã về xã Trạm Tấu, ở đây người Mông đang hồ hởi bởi một năm giành được hai vụ ngô đồi thắng lợi, nhiều nhà có thu nhập tới cả trăm triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lời trên dưới 50 triệu đồng từ cây ngô. Cây ngô đồi không chỉ giúp bà con có bát ăn, bát để, có đồng ra đồng vào sắm Tết mà còn có tiền để mua sắm các vật dụng đắt tiền như xe máy, ti vi. Đặc biệt hơn là từ người già đến người trẻ, ai ai cũng mừng vui và háo hức chờ đón Tết cổ truyền chung của dân tộc.


Dẫn chúng tôi đi thăm những nương ngô bạt ngàn xanh ngút tầm mắt, anh Giàng A Khua ở thôn Tấu Dưới chỉ cho chúng tôi xem những nương ngô tới kỳ thu hoạch, phấn khởi nói: “Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ giống và vận động chuyển đổi từ trồng lúa nương, sắn một vụ hiệu quả thấp sang trồng ngô đồi hai vụ xuân và hè thu, năm nay, nhà mình lại được một vụ ngô thắng lợi rồi các anh ạ! Từ ngày có cây ngô, gia đình mình mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng. Có nhiều ngô, mình để một phần chăn nuôi, còn số dư mình bán đi để lấy tiền mua sắm các đồ dùng hiện đại trong gia đình như ti vi, quạt điện... và có tiền mua sắm Tết nữa. Còn tại nhà ông Mùa A Dê có nhà dưới mặt đường nhựa đi về thị xã Nghĩa Lộ (cũng thuộc thôn Tấu Dưới) đã trồng 2 ha ngô đồi, mỗi năm, thu hoạch tính ra được chừng 20 triệu đồng. Ông còn cấy lúa, chăn nuôi hàng chục con trâu, 2 con bò. Nhờ đó gia đình ông đã mua sắm được đồ dùng đắt tiền, mới đây còn mua được một chiếc xe tải 240 triệu đồng để vận chuyển thóc, ngô, hàng hóa cho gia đình và bà con trong xã. Nghe chúng tôi hỏi chuyện đón Tết, ông hồ hởi: “Mình sẽ lại ăn Tết Nguyên đán chung cùng cả nước và cả tỉnh như năm ngoái thôi, như thế khỏi ảnh hưởng đến sản xuất cũng như học hành của các con, các cháu. Năm ngoái, nhà mình chờ các con đi học đại học ở xa về, các cháu học ở gần cũng đều đoàn tụ trong Tết Nguyên đán vui vẻ lắm”. Còn tại xã Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải, Già bản Zế Thàng vui mừng cho biết, nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, năm nay người Mông mình cấy được nhiều ngô lắm nên mọi người đang tập trung thu hoạch hết ngô rồi mới chuẩn bị ăn Tết. Cán bộ nó bảo trồng ngô cho thu nhập cao hơn trồng lúa nương mới có nhiều tiền để ăn Tết cùng người Kinh sẽ vui hơn. Người Mông bản mình đã nghe theo để trồng ngô đồi và cùng ăn Tết chung với cả nước.


Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được đồng chí Giàng A Câu, Phó Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng cho biết: “Cái hay, cái tốt của việc ăn Tết chung là thuận lợi cho làm vụ đông xuân và con cái học hành có điều kiện được đoàn tụ, không ảnh hưởng đến học tập vì vậy Trạm Tấu đã tuyên truyền vận động từ năm trước, đến năm nay cuộc vận động sẽ được tuyên truyền sâu rộng hơn và đến thời điểm này đa số đồng bào Mông trong huyện đã nghe theo".


Trong những ngày này, dọc các tuyến đường chính đến trung tâm của hầu hết các xã của hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đều có xe thông tin lưu động tuyên truyền trên loa bằng tiếng Mông với nội dung hướng dẫn bà con thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm cũng như việc vận động bà con cùng ăn chung một Tết. Riêng huyện Trạm Tấu, việc vận động bà con người Mông cùng ăn chung một Tết còn được Phòng Văn hóa - Thông tin tuyên truyền lồng ghép trong các buổi ra mắt xây dựng thôn bản văn hóa. Đồng thời, để hoạt động vui Tết đón xuân không ảnh hưởng đến sản xuất, các địa phương vùng cao đều chỉ đạo và đôn đốc triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014, trong đó tập trung chỉ đạo khâu làm đất, chuẩn bị phân bón, ni lông chống rét cho mạ, phòng chống đói, rét, bệnh dịch cho gia súc; thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân và gieo cấy đúng lịch thời vụ... Chính điều đó, đã được người Mông nơi vùng cao Yên Bái nghe theo. Tết Nguyên đán ở Yên Bái sẽ sớm trở thành ngày Tết của hơn 30 đồng bào các dân tộc trong tỉnh.


Bài và ảnh: Đức Tưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN