Sáng 5/1, Công đoàn các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” Xuân Ất Tỵ 2025 tại KCX Linh Trung I (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), thu hút hơn 6.000 công nhân tham gia.
Chị Võ Thị Hồng Gấm, công nhân làm việc trong KCX Linh Trung I cho biết: “Những mặt hàng giảm giá, khuyến mại tại các phiên chợ Tết khá thiết thực, giúp chúng tôi dự trữ dùng dần trong dịp Tết. Năm nay kinh tế vẫn còn khó khăn, công nhân nào cũng phải tiết kiệm chi tiêu nên việc tham gia mua hàng bình ổn giá tại các phiên chợ Tết giúp công nhân tiết kiệm được khoảng 20 - 30% chi phí mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp tới".
Theo chị Hồng Gấm, khi tham gia chương trình, các công nhân có thể mua sắm hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, nước mắm, bột ngọt, bột giặt… với mức giá ưu đãi, giảm từ 5 - 30% so với giá thị trường. Mặt khác, mỗi công nhân có hoàn cảnh khó khăn còn được nhận một phần quà gồm phiếu mua sắm hàng hóa, tiền mặt và lịch Tết trị giá 1 triệu đồng. Đây là những phần quà khá ý nghĩa dành cho người lao động xa quê đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về hoạt động trên, đại diện Công đoàn các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có 17 KCN và KCX với hơn 250.000 công nhân. Chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường” rất thiết thực đối với người lao động, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn khi họ được tiếp cận với sản phẩm chất lượng, giá ưu đãi. Ngoài ra, để người lao động có thể mua hàng hóa Tết ưu đãi, Công đoàn các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh còn tổ chức 5 phiên chợ công nhân tại khu vực Tân Thuận, Linh Trung, Tân Tạo, Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi. Dự kiến kinh phí tổ chức chăm lo cho người lao động khi tham gia các chương trình trên khoảng 24 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để mang hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá đến tận tay người lao động, các đơn vị đang tổ chức chương trình bán hàng lưu động bình ổn giá tại các khu vực đông dân cư, khu vực có đông người lao động… Hàng hóa sẽ được các đơn vị như MM Mega Market, Saigon Co.op, P&G, Bình Tây, Saigon Food, Cholimex… đưa đến tận tay người tiêu dùng thông qua 15 đợt bán hàng trải rộng khắp TP Hồ Chí Minh. Giá bán hàng lưu động khá mềm, có những mặt hàng giảm sâu 80 - 90% để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của công nhân lao động tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
“Hàng hóa, thực phẩm thiết yếu được các đơn vị cung ứng liên tục để tránh xảy ra tình trạng “đứt hàng” khi sức mua tăng cao. Gần đây, các chương trình đem hàng bình ổn giá đến các KCX - KCN đã thu hút nhiều công nhân, người lao động đến mua sắm. Những mặt hàng tham gia chương trình cũng được ban tổ chức chọn lựa theo tiêu chí có giá cả phù hợp với thu nhập của công nhân, chất lượng hàng hóa cũng phải đảm bảo, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Tham gia đồng hành cùng chương trình bình ổn giá của Thành phố, bà Lê Thị Tuyết Mai, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH P&G Việt Nam cho biết, khi đồng hành cùng với chương trình, đơn vị mong muốn mang những sản phẩm thiết yếu chất lượng với mức giá ưu đãi hấp dẫn đến với người tiêu dùng và mang đến những phần quà thiết thực đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị cũng mong muốn lan tỏa thông điệp “Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương” tới người dân dịp cuối năm.
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, để chăm lo Tết chu đáo cho người lao động, đơn vị sẽ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân đoàn kết" chăm lo cho 15.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn khó khăn. Những đối tượng được ưu tiên chăm lo gồm: người lao động bị nợ lương, BHXH, bị ảnh hưởng bão lũ, không có điều kiện về quê đón Tết... Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiêp tổ chức chương trình "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" chủ đề "Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt" để chăm lo cho 9.500 đoàn viên khó khăn với mức chi 1 triệu đồng/đoàn viên mua sắm tại phiên chợ; phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình "Tấm vé nghĩa tình - Xuân đoàn viên" đưa 500 hộ gia đình đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với tổng kinh phí ước hơn 4,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức chương trình "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố" lần 4 với sự tham gia của 10.000 hộ gia đình đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia hoạt động Công đoàn không có điều kiện về quê đón Tết, với tổng kinh phí dự kiến 9,5 tỷ đồng.
Theo Công đoàn các KCX - KCN TP hồ Chí Minh, hiện đã có 173/1.000 Công đoàn cơ sở gửi báo cáo về tình hình thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, đa số các doanh nghiệp trong KCX - KCN TP Hồ Chí Minh đều sẽ thưởng Tết cho người lao động 1 tháng lương thứ 13. Một số doanh nghiệp thưởng theo thâm niên (từ 1 - 2 tháng lương/người).
Ngoài ra, tiền thưởng cao nhất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 237 triệu đồng (ngành linh kiện điện tử), tiền thưởng thấp nhất đối với doanh nghiệp FDI là 2,4 triệu đồng (ngành trang sức). Tiền thưởng cao nhất đối với doanh nghiệp trong nước khoảng 200 triệu đồng (ngành nghề sản xuất kinh doanh mỹ phẩm) và tiền thưởng thấp nhất đối với doanh nghiệp trong nước hiện đang cập nhật 5 triệu đồng (ngành thiết bị giáo dục).