Người hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa thiết yếu càng phải có ý thức phòng dịch COVID-19

Chùm lây nhiễm COVID-19 liên quan tới Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga tại Hà Nội khiến dư luận đặt câu hỏi về việc tuân thủ phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 17 của UBDN Thành phố Hà Nội.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã gây “sốc” cho nhiều người dân Hà Nội khi có tới 40 nhân viên mắc COVID-19. "Vì vậy kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty Thanh Nga", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Chú thích ảnh
Khu vực ngõ 651 Minh Khai (nơi Công ty Thanh Nga hoạt động), phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng hiện bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra, truy vết. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.
 

Tính đến ngày 3/8, đã có tới 40 trường hợp mắc COVID-19 tại Thanh Nga và nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao do có đến 54 siêu thị, khách sạn và bệnh viện liên quan.

“Sau khi xác minh thông tin về nguồn lây cũng như lịch sử tiếp xúc, quá trình di chuyển của các nhân viên Công ty thực phẩm Thanh Nga, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh. Ngày 23/7, UBND Thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Hà Nội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 24/7. Trong đó nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như Công ty thực phẩm Thanh Nga vẫn được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch theo quy định. Cụ thể, an toàn ở đây là thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện làm việc 50% số người lao động, phân xưởng làm việc phải đảm bảo dụng cụ an toàn, quá trình làm việc phải đảm bảo giãn cách giữa những người lao động. Người lao động trong quá trình làm việc phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, phải thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... Do đó, cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp này và trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định và các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Dư luận cho rằng: Dịch bệnh COVID-19 có thể xâm nhập vào bất cứ ai trong xã hội, bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, không ai lường trước được. Tuy nhiên những người hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa thiết yếu, từ đội ngũ quản lý tới các nhân viên, lao động sản xuất, cung ứng, phân phối thực phẩm càng phải có ý thức cao trong tuân thủ phòng dịch, đặc biệt trong giờ giải lao, ăn uống và sau khi rời công ty, siêu thị, cửa hàng để về nhà, hạn chế tiếp xúc... Bởi hằng ngày, lực lượng này tiếp xúc với rất nhiều người, các đơn vị liên quan. Chỉ cần 1 cá nhân không có ý thức, khiến các doanh nghiệp liên quan, người dân và cả xã hội phải gánh chịu thiệt hại rất nặng nề.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp có phát hiện vi phạm về phòng chống dịch bệnh là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, cần  khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với những người có hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Trường hợp nếu có vi phạm sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ Luật hình sự hoặc tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người nếu có cá nhân đã vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đi làm, khiến lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 30/03/2020, hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quy định rõ: Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự (BLHS).

Khoản 1 Điều 360 - BLHS: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%...
Minh Phương/Báo Tin tức
Truy vết nhiều trường hợp liên quan đến công ty thực phẩm Thanh Nga bằng công nghệ
Truy vết nhiều trường hợp liên quan đến công ty thực phẩm Thanh Nga bằng công nghệ

Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia, sau 1 giờ, nền tảng hỗ trợ truy vết của Trung tâm đã truy vết tự động được hàng nghìn trường hợp liên quan đến Công ty Thực phẩm Thanh Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN