Thế nhưng, dự án đã ngừng thi công nhiều tháng nay do hết thời hạn. Công trường ngổn ngang, việc đi lại bất tiện khiến người dân bức xúc.
Theo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, tuyến kè chia làm 3 gói thầu dài 2,8 km đi qua quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ. Dự án được khởi công cuối năm 2019, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay toàn dự án chỉ đạt hơn 80%; trong đó, gói thầu số 1 và 2 chậm tiến độ và đã hết thời hạn thi công. Nguyên nhân chậm tiến độ là khó khăn trong việc bồi thường và chịu ảnh hưởng của triều cường, dịch bệnh. Từ khi hết hạn hợp đồng, dự án buộc phải dừng thi công.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, từ nhiều tháng nay, công trình vắng bóng công nhân, phương tiện thi công, sắt thép rỉ sét, cỏ dại cao gần ngang đầu người. Đi dọc tuyến kè từ hướng đường Nguyễn Văn Cừ ra chợ An Bình, nhiều tấm lưới thép được chất thành đống, phía trên phủ kín màu xanh của các loại dây leo. Tại nhà chỉ huy công trình, thời điểm phóng viên có mặt chỉ thấy một người đàn ông khoảng 60 tuổi đang trông coi tại đây.
Bà Nguyễn Thị Tư, người dân ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều cho biết, quan sát thấy công nhân ngưng thi công kè từ mấy tháng nay. Do dự án thi công dở dang đã khiến cuộc sống gia đình bà bị ảnh hưởng không nhỏ. “Trời mưa thì nước dâng lên lại không có đường rút. Trước khi làm bờ kè thì nước rút xuống sông rất nhanh, còn bây giờ các mương thoát nước bị lấp hết nên chúng tôi phải chịu cảnh ngập 3 - 4 tiếng mỗi khi mưa lớn”, bà Nguyễn Thị Tư nói.
Từ khi dự án ngưng thi công, công trường ngổn ngang ngang, nhiều vật tư tập kết lấn ra cả đường đi làm ảnh hưởng đến việc lưu thông người dân. Đặc biệt đoạn qua khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều nhiều đoạn các hố ga trồi lên mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân.
Cùng ở khu vực 6, phường An Bình, chị Nguyễn Thị Hoài cho biết, thấy rất lo lắng khi nhìn các thanh sắt lởm chởm nhô lên ở các miệng cống chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, mỗi khi triều cường lên thì đoạn đường sau kè bị ngập, người lưu thông qua lại không thấy các chướng ngại vật trên đường nên có thể gặp nguy hiểm.
“Việc đi lại của người dân rất vất vả nên mong mỏi chính quyền địa phương, chủ đầu tư sớm tiếp tục thi công hoàn thành dự án để cuộc sống, sinh hoạt được thuận tiện”, chị Hoài mong muốn.
Có chung bức xúc như trên, bà Đường Thị Hồng, ngụ cùng khu vực cho hay, có những đoạn đường sau kè rạch Cái Sơn rất nhỏ, trong khi sắt thép, bê tông nằm vương vãi khắp nơi. "Tôi chỉ sợ xe cộ qua lại nếu không làm chủ tốc độ sẽ đâm vào nên đã lấy ván đậy lại cũng như cảnh báo cho người đi đường", bà Hồng cho biết.
Kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn có điểm đầu từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923, phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Công trình có tổng kinh phí xây dựng gần 315 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 252 tỷ đồng, ngân sách địa phương 62 tỷ đồng.
Kè được thiết kế xây dựng kiên cố, với đỉnh kè cao 2,8 m, có hệ thống lan can, thu gom và thoát nước thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè, đường giao thông rộng rãi… nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp. Theo hợp đồng, cả 3 gói thầu này đã hết thời gian thực hiện vào cuối năm 2020 nên dự án tạm ngưng thi công. Ngày 25/5/2021, UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện sang năm 2021, chủ đầu tư đã thương thảo, ký phụ lục hợp đồng với các đơn vị thi công để tiếp tục triển khai dự án.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ toàn dự án chỉ hoàn thành 83,83% (gói thầu số 1 và 2 tiến độ thi công chậm, đạt 66,08% và 87,40%; gói thầu 3 khối lượng hoàn thành đạt khoảng 98%). Từ đó đến nay, dự án phải tạm dừng do hết thời gian thực hiện và giải ngân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Quí Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ - đại diện chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân công trình chậm tiến độ là do quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với phần đất sát sông, rạch, đất bãi bồi, đất san lấp kênh rạch mất nhiều thời gian giải quyết, chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng.
Đồng thời, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đền bù, hỗ trợ tái định cư, thi công dự án; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư tăng gần 30,5 tỷ đồng so với dự án được duyệt… Ngoài ra, công trình trải dài theo tuyến nên khối lượng thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khá lớn và mất nhiều thời gian. Trên toàn tuyến có khoảng 251 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án; trong đó, có 41 hộ phải tái định cư.
Theo ông Nguyễn Quí Ninh, những khó khăn trên đã gây hậu quả là làm thời gian thực hiện dự án kéo dài. Hiện nay, chủ đầu tư đã tiến hành rà soát hai nội dung về nguồn vốn thực hiện; trong đó, vốn Trung ương khoảng 100 tỷ đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Chi cục Thủy lợi sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố kiến nghị Trung ương sớm có hướng giải quyết nguồn vốn này.
Đối với vốn địa phương còn khoảng 10 tỷ đồng chủ yếu phục vụ đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Sau khi có nguồn vốn thì sẽ tiếp tục thực hiện đúng quy định, tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
“Với chỉ đạo quyết liệt của thành phố, trong năm 2024, chúng tôi sẽ quyết tâm giải quyết, tháo gỡ hết khó khăn để sớm hoàn thiện trên 10% khối lượng còn lại của dự án, đáp ứng mong mỏi của người dân trên tuyến đang trông chờ dự án hoàn thành để ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Quí Ninh nói.
Tình trạng chậm tiến độ của dự án kè chống sạt lở rạch Cái Sơn đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân bởi dự án này là mong chờ của bà con bao năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thành.