Năm 2016, bản Nà Đang, xã Lâm Phú được nhà nước đầu tư công trình đường dây tải điện 35 kVA lên bản Nà Đang, xã Lâm Phú với số vốn 21 tỷ đồng, công trình này do UBND huyện Lang Chánh làm chủ đầu tư với mục tiêu kéo điện từ trung tâm xã lên bản với chiều dài hơn 12 km. Sau khi hoàn thành, công trình này vẫn chưa được bàn giao cho ngành điện quản lý, bán điện cho người dân. Nguyên nhân, là do trên tuyến đường điện đi vướng 72 cây gỗ trong rừng phòng hộ có nguy cơ đổ, gãy gây mất an toàn lưới điện nên ngành điện vẫn chưa tiếp nhận công trình.
Hiện Điện lực Quan Sơn là đơn vị bán điện cho xã Lâm Phú, do công trình này chưa bàn giao nên Điện lực Quan Sơn chỉ bán điện đến đầu công tơ tổng. Từ công tơ tổng này, một người dân ở xã Lâm Phú đứng ra nhận thầu và bán lại cho các hộ dân ở bản Nà Đang với giá 2.500 đồng/kWh. Nếu mua điện của nhà nước, người dân chủ yếu chỉ mất 1.678-1.734 đồng/kWh (tương đương với điện sinh hoạt ở bậc 1 đến bậc 2).
Ông Lương Văn È, bản Nà Đang, xã Lâm Phú cho biết: “Trước đây, bản Nà Đang chưa có điện lưới quốc gia, sau khi được nhà nước đầu tư, xây dựng một công trình điện lưới. Tuy nhiên, người dân vẫn phải mua điện với giá 2.500 đồng/kWh từ 7 - 8 năm nay, cuộc sống rất khó khăn”.
Nói về cuộc sống khó khăn khi phải mua điện với giá cao, anh Hà Văn Chuẩn, bản Nà Đang, xã Lâm Phú cho biết: ”Việc phải mua lại với giá điện 2.500 đồng/kWh từ một đầu mối khác khiến cuộc sống gia đình tôi khó khăn hơn, để tiết kiệm tôi luôn hạn chế sử dụng điện và chỉ dùng vào việc cần thiết như nấu cơm, thắp sáng bóng đèn. Mong nhà nước có giải pháp bàn giao đường điện cho Điện lực Quan Sơn quản lý để người dân được mua giá điện thấp hơn”.
Ông Phạm Văn Nhị, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú cho biết: “Bản Nà Đang thuộc diện đặc biệt khó khăn, thế nhưng người dân vẫn đang phải mua điện với giá rất cao. UBND xã Lâm Phú rất mong chủ đầu tư công trình lưới điện quốc gia này sớm hoàn thiện các thủ tục, bàn giao dự án về cho ngành điện lực quản lý, để bán điện đúng với quy định”.
Theo ông Phạm Hùng Sâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh cho biết: “Sau khi công trình được hoàn thành, một số khoảng cột của đường dây 35 kKVA chưa đảm bảo an toàn quy định của ngành điện, do địa hình phức tạp. Vì vậy, UBND huyện Lang Chánh đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin phép được chặt hạ số cây để đảm bảo hành lang lưới điện. Tuy nhiên, số cây gỗ rừng ấy lại liên quan đến Ban quản lý lâm trường Sông Lò (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn).
Do đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn phải báo cáo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để có kế hoạch khai thác số cây gỗ này. Sau khi đi đánh giá về 72 cây gỗ nêu trên, dù là gỗ tạp, không có giá trị, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn vẫn không cho chặt hạ. Lý do, là để thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước và tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên theo Chỉ thị 13 - CT/TW/2017 và Nghị quyết 71/NQ-CP/2017.
Cũng theo ông Sâm, đến cuối năm 2021, UBND huyện Lang Chánh có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, UBND tỉnh đã có chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty Điện lực Thanh Hóa, UBND huyện Lang Chánh phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn lên kiểm tra. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND huyện Lang Chánh không khai thác, chặt hạ cây rừng tự nhiên nằm sát hành lang lưới điện 35 kVA bản Nà Đang, mà chỉ cắt, tỉa cành, nhánh để đảm bảo an toàn cho hành lang đường dây tải điện theo quy định.
Sản phẩm cành, nhánh sau khi cắt tỉa được thu gom, dọn dẹp đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, chỉ được sử dụng tại chỗ và nghiêm cấm vận chuyển buôn bán, tiêu thụ hay lợi dụng việc cắt tỉa để khai thác lâm sản trái pháp luật. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Lang Chánh chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện.
Ông Thiều Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trên hành lang điện lưới có 1 số cây rừng tự nhiên nằm phía ngoài hành lang. Hiện Sở nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu đơn vị chức năng, chủ dự án điện thực hiện cắt tỉa cành để đảm bảo an toàn đường điện tại khu vực Nà Đang”.
Việc chậm trễ bàn giao dự án lưới điện bản Nà Đang đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, UBND huyện Lang Chánh cần sớm thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cắt, tỉa cây rừng để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và bàn giao công trình này, giúp người dân được mua điện theo giá quy định của nhà nước.