Nắng nóng với nền nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe người dân.
Nhiệt độ tăng cao
Khoảng 30 năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cho thấy, chuỗi ngày nắng nóng kéo dài đã phá vỡ nhiều đỉnh lịch sử.
Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng địa bàn tỉnh. Tại thành phố Biên Hòa, nhiệt độ cao nhất đạt 40 độ C vào trưa 9/4 trở thành nhiệt độ cao nhất trong năm nay và cũng là cao nhất trong chuỗi quan trắc tại trạm Biên Hòa từ trước đến nay. Trước đó, nhiệt độ cao nhất tại trạm Biên Hòa từng ghi nhận đạt 39,6 độ C vào năm 1998 và đạt 39,4 độ C vào năm 2023.
Từ cuối tháng 3/2024 đến nay, trong suốt liên tục một tháng, người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải hứng chịu chuỗi ngày nắng nóng dài kỷ lục trong gần 30 năm. Tính từ đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh trải qua hơn 70 ngày nắng nóng, theo dữ liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Số đợt nắng nóng - nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C từ hai ngày liên tiếp trở lên - tương đồng với các năm El Nino trước, nhưng mỗi đợt trở nên dài hơn.
Các chuyên gia cho biết, các thành phố lớn như Biên Hòa hay Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành những tâm nóng ở Nam Bộ trong 10 năm trở lại đây là do hiệu ứng đô thị. Trong các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thực tế từ ngày thứ 5, 6 thường cao hơn nhiều so với con số đo trong lều khí tượng. Quá trình tăng cấp này đến từ sự cộng hưởng giữa nhiệt độ ánh nắng mặt trời với hấp thụ nhiệt của vật liệu trong môi trường, như các bề mặt bê tông và đường nhựa, có thể lên tới 80 - 90%. Chưa kể nhiệt lượng tỏa ra từ các phương tiện xe cộ đông đúc trong thành phố càng khiến cảm nhận nhiệt độ thực tế lớn hơn 2 - 4 độ C so với nhiệt độ dự báo, có thể lên tới 42 - 45 độ C.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, nguyên nhân nắng nóng kéo dài ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sau Tết Giáp Thìn chủ yếu do hệ thống thời tiết trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ hoạt động mạnh chi phối chính đến thời tiết khu vực Nam Bộ. Đây là trường phân kỳ nên làm hạn chế bốc hơi nước, không khí bị khô, độ ẩm không khí thấp, khó đạt điều kiện hình thành mây nên bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp xuống, làm cho nhiệt tăng cao.
Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo số ngày nắng nóng năm nay sẽ nhiều hơn trung bình các năm trước, nên khả năng thời gian bắt đầu mùa mưa năm nay đến muộn hơn các năm, có thể vào ngày 10 - 15/5. Tuy nhiên, dự báo nắng nóng vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu mùa mưa. Nhiều đợt nắng nóng diện rộng có thể xuất hiện ở cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất 37 - 38 độ C và trên 38 độ C ở các tỉnh miền Đông và ven biên giới Tây Nam.
Ông Lê Đình Quyết cho rằng, El Nino được dự báo kết thúc trong năm nay, dù vậy, cường độ nắng nóng tại Nam Bộ chưa chắc đã giảm trong mùa khô những năm tới. Nguyên nhân vì biến đổi khí hậu đang ngày càng bất thường, dễ phá vỡ các quy luật cũ, đồng nghĩa với việc dự báo cũng khó khăn hơn.
Người dân “đương đầu” với nắng nóng
Suốt một tháng qua, nắng nóng ở Thành phố Hồ Chí Minh thường bắt đầu từ 8 giờ sáng. Nhiều người đi làm đến công sở buổi sáng tỏ ra mệt mỏi, cảm nhận được sự nóng bức. “Sau khi đưa con đi học lúc 7 giờ tôi đã thấy nắng chói chang. Nhà ở quận 12, di chuyển đến công ty ở quận 3 do kẹt xe nên mất gần một tiếng mới tới cho quãng đường dài 12 km. Nắng nóng, kẹt xe, tôi cảm thấy mất sức khi đến công ty, dù mới buổi sáng”, anh Phạm Văn Tài (phường Tân Thới Hiệp, quận 12) chia sẻ.
Đối với người lao động làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, vốn có mật độ dân cư dày đặc, các phương tiện giao thông đông đúc, cùng nhiều nhà cao tầng, khu công nghiệp, khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ chiều thực sự là thử thách. Anh Trần Quốc Việt làm nghề chạy xe ôm công nghệ chia sẻ: “Bình thường tôi chạy grab xuyên trưa để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng thời điểm nắng nóng “kinh hoàng” như thế này tôi chỉ sợ chạy xe ngoài đường liên tục lúc nắng nóng cao điểm sẽ đổ bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi đành phải chạy xe về nhà trọ nghỉ trưa, trốn nắng, chấp nhận thu nhập bị giảm”.
Còn những người bán hàng rong, bán đồ ăn vặt, bán vé số thì do “tình thế” bắt buộc phải mưu sinh ngoài đường, đều tìm một bóng râm để trốn nắng, đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Chị Lê Thị Hòa, bán vé số ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa cho biết: “Vì mưu sinh, tôi phải bán vé số liên tục cả ngày mới mong có tiền nuôi hai con nhỏ. Trời nóng quá, tôi phải mang theo nước đá để giải nhiệt. Tránh những tuyến đường lớn, tôi đi vào đường nhỏ, hẻm có nhiều bóng râm để bán…”.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm thấp, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo người dân đề phòng cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực đông dân. Ngoài ra, nắng nóng còn gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi làm việc ngoài trời.
Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Phòng khám nhi ở quận Phú Nhuận cho rằng, thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt nên trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải. Nhiệt độ và độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý như bổ sung lượng nước đầy đủ, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin trong trái cây. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo thói quen rửa tay trước và sau khi ăn cho trẻ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, thời tiết nắng nóng cao điểm người dân cần hạn chế ra trời nắng từ 10 - 16 giờ. Nếu là công việc, không nên làm việc ngoài trời với thời gian quá lâu và luôn phải trang bị đầy đủ đồ chống nắng, bao gồm: Quần áo dài che kín thân thể, áo quần sáng màu để giảm hấp thụ nắng nóng, mũ, nón rộng vành, kính râm…