Để hỗ trợ người dân đặc biệt khó khăn từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hạn chế bệnh tật, tỉnh Gia Lai đã có chính sách hỗ trợ cây giống, vật nuôi và một số mặt hàng chính sách khác từ chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chính sách cấp muối i-ốt sạch đã phát huy được hiệu quả chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng, chống bệnh bướu cổ...
Tuy nhiên, từ năm 2020, chính sách cấp muối i-ốt cho người nghèo thuộc vùng khó khăn từ nguồn ngân sách của Chính phủ ngừng thực hiện khiến trên 600 ngàn người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ phải mua từ nguồn khác. Ông Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Từ năm 2020, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực đều tập trung cho việc phòng, chống dịch nên chính sách cấp muối i-ốt cho người nghèo ở vùng khó khăn từ nguồn ngân sách của Chính phủ không còn. Người dân phải tự mua muối, tuy nhiên, nguồn muối trên thị trường không đảm bảo, nhiều tạp chất khiến họ bất an.
Chị Kpă Hyư, ở xã Ia Broái, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: Muối mua trên thị trường muốn sử dụng được phải ngâm vào nước khuấy lên để lọc đá, sạn ra rồi mới lấy nước muối để nấu ăn. Tôi cũng khuyên bà con nên mua loại muối i-ốt xay, nhưng bà con không có tiền nên chỉ mua muối hạt thông thường. Trong các cuộc họp, đồng bào đều mong muốn lại được Nhà nước cấp muối i-ốt.
Ông Đinh Văn Nơ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Rong, huyện KBang chia sẻ: Xã nằm ở vùng sâu, cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên từ trước tới nay người dân trong xã thường dùng muối được Nhà nước cấp để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Từ khi mặt hàng này ngừng cấp, nhiều hộ gia đình còn khó khăn nên chưa tiếp cận được nguồn muối i-ốt. Tại các kì tiếp xúc cử tri, người dân đều có ý kiến mong được Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ muối i-ốt cho bà con.
Việc cấp muối i-ốt đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh bướu cổ, nâng cao sức khỏe cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách hỗ trợ muối i-ốt đã đi vào đời sống và được người dân ủng hộ, đón nhận. Đồng bào dân tộc thiểu số dần hiểu rõ hơn việc sử dụng muối i-ốt có tác dụng tốt cho sức khỏe, góp phần phòng, chống các loại bệnh tật như bướu cổ, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển… Việc ngừng hỗ trợ muối i-ốt sạch tại Gia Lai khiến cuộc sống của các hộ dân nghèo bị ảnh hưởng, thiếu muối sạch để sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe, làm gián đoạn “chu trình phòng, chống bệnh bướu cổ” trong nhân dân.
Trước nhu cầu được sử dụng muối i-ốt sạch của đồng bào, tại Kỳ họp thứ Tám (chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã đưa ra thảo luận đối với Nghị quyết về việc phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thực hiện Nội dung 1 - Tiểu Dự án 2 - Dự án 51 tại Điều 9 Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá ảnh hưởng sức khỏe do thiếu muối i-ốt gây ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất bố trí kinh phí để cấp muối i-ốt cho đối tượng được thụ hưởng theo quy định cho những năm tiếp theo giai đoạn 2021- 2025.