Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước coi là một nhiệm vụ trọng tâm - một nguồn nhân lực có giá trị và là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo
Có thể thấy, khi điều kiện kinh tế cải thiện, tuổi thọ trung bình của người dân cũng được nâng cao. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện Việt Nam đang có một nguồn nhân lực chất lượng cao nằm ngoài độ tuổi lao động, nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi năm có hàng nghìn cán bộ, tri thức về hưu nhưng sức khỏe vẫn tốt, lại có nhiều kinh nghiệm chuyên môn mà thế hệ trẻ chưa thể có được. Đội ngũ này trở về cơ sở, tiếp tục tham gia vào các hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nhiều lãnh đạo cấp sơ sở thừa nhận, đội ngũ cán bộ lão thành có đóng góp không nhỏ trong công tác tham mưu, trợ giúp cấp ủy, chính quyền về công tác chuyên môn.
Trong các buổi làm việc với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Người cao tuổi Việt Nam luôn trung thành với Đảng, mong muốn đất nước phát triển; có tích lũy tri thức, kinh nghiệm, có bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết. Với điều kiện kinh tế như hiện nay, người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn, trình độ cũng cao hơn, có thể tham gia nhiều công việc xã hội như nghiên cứu khoa học, sản xuất nông nghiệp, làm chủ doanh nghiệp…
Không chỉ tham gia các hoạt động của địa phương, người cao tuổi ở nhiều nơi vẫn tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của mình sau khi về hưu bằng cách xây dựng các mô hình kinh tế tư nhân, tạo nhiều việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo thống kê, cả nước có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 130.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ...
Bên cạnh đó, với tư cách là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng, người cao tuổi còn phát huy vai trò là người vận động tư vấn, giám sát, phản biện, tổ chức các hoạt động tự quản trong dân cư. Đặc biệt, những năm qua, cùng với các tầng lớp nhân dân, cán bộ, hội viên hội người cao tuổi trên cả nước vẫn luôn đồng hành cùng lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh giáp biên nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc.
Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế là khoảng 96% trên tổng số người cao tuổi. Điều này minh chứng rằng Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi.
Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số đang gia tăng nhưng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi... Thực tế cho thấy, hệ thống nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng. Đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất được bảo đảm, đủ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ... nhưng không phải người cao tuổi nào cũng có đủ điều kiện để được vào đó.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, trong tổng số trên 10 triệu người cao tuổi hiện nay vẫn còn nhiều người sống khó khăn do không có tích lũy; một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự kiếm sống; một số người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm. Hiện nay đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều; vẫn còn những rào cản cho việc ra đời và hoạt động của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do cá nhân, tổ chức thành lập.
Để chăm sóc tốt cho người cao tuổi, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm cho các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, đồng bào dân tộc ít người, người di cư.
Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân để giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Vì vậy, theo ông Ngọc, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của các nước tiên tiến. Nêu ra việc người cao tuổi đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả kinh phí do không có bảo hiểm xã hội là một trong những khó khăn không nhỏ, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức cho rằng Nhà nước cần có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai.
Chỉ đạo về công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhu cầu đầu tiên của người cao tuổi chính là sức khỏe. Các địa phương cần nghiên cứu, phát động phong trào rèn luyện sức khỏe, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, đưa nội dung này vào ngày hội văn hóa các cấp; huy động hội viên người cao tuổi có trình độ tham gia phổ biến kiến thức, tuyên truyền thông tin về luật pháp, chính sách cho người dân tại trung tâm giáo dục cộng đồng; tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia các cuộc thi, giải thưởng về nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển kinh tế…
Để công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng có các hình thức khuyến khích, tôn vinh những doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người cao tuổi như giảm vé, phí tham quan di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, sử dụng phương tiện giao thông công cộng; thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, chung cư phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, ngành y tế cần có cơ chế, chính sách cũng như chương trình mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi. Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người cao tuổi; khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi.