Nghĩa tình những giọt máu hiếm

Chú thích: Với hơn 100 thành viên thường xuyên, mạng lưới câu lạc bộ máu hiếm hiện đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành khác, thực sự là “ngân hàng máu hiếm” đáng quý.

Người ngoài nói câu lạc bộ (CLB) máu hiếm là ngân hàng máu sống. Còn những thành viên CLB giản dị hơn, họ gọi đây như là một gia đình thứ hai của mình. CLB được lập ra nhằm tạo một cộng đồng có nhóm máu hiếm để mọi người giúp đỡ nhau và giúp đỡ những bệnh nhân khác.


Hiến máu lúc… nửa đêm

Chuyện gia nhập CLB máu hiếm của Ứng Thùy Linh (Hà Nội) rất tình cờ. Cách đây 5 năm, khi là sinh viên năm thứ nhất Đại học Nông nghiệp I, theo phong trào Đoàn trường, Linh đi hiến máu. Sau đó mấy tháng, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gọi điện thoại tới Linh thông báo: “Em có nhóm máu hiếm. Bây giờ có một bà mẹ Việt Nam anh hùng bị bệnh nguy kịch, cần mổ gấp nhưng đang thiếu máu cho ca mổ. Em có thể giúp không?”. Lúc nhận lời đề nghị này từ Viện Huyết học, trong đầu Linh vẫn nhớ như in lần đi hiến máu đầu tiên vì áp lực tâm lý, hiến xong, bị ngất xỉu. “Mình nghĩ nếu nhận lời tức là giúp người khác một việc trong lúc họ rất cần mà không phải ai cũng làm được”. Rồi Linh tức tốc rủ một người bạn đi cùng đến Viện Huyết học. Hôm đó trời mưa, lạnh quá, vào chờ mãi không lấy được ven nhưng rồi Linh vẫn hiến được 350ml. Sự kiện ấy đánh dấu việc Linh trở thành thành viên của CLB nhóm máu hiếm. Từ đó tới nay, Linh đã hiến máu được khoảng chục lần.

Việc hiến máu của các thành viên CLB không phải duy trì định kỳ hay thường xuyên. Mỗi khi có ca bệnh bị sốt xuất huyết, bị ung thư máu hoặc có sản phụ bị băng huyết cần máu cấp cứu hoặc một bệnh nhân tai nạn, mổ, cần máu…, Viện sẽ liên lạc với CLB rồi CLB sẽ thông báo cho các thành viên đi hiến.

Chính vì nhu cầu đa phần trong những tình huống “khẩn cấp” nên có khi phải đi hiến máu lúc nửa đêm. Đó là câu chuyện của Đỗ Thùy Dung, Phó chủ nhiệm CLB. “Có đợt, người nhà bệnh nhân tìm trên mạng, thấy số điện thoại của em trong trang web của CLB. Họ gọi điện xin được giúp đỡ. Em đã liên lạc với thành viên CLB có cùng nhóm máu có thể đáp ứng được. Nửa đêm hôm đó, tầm hơn 1 giờ đêm, em trốn bố mẹ qua đón bạn này đi hiến máu”, Dung kể lại. Có hai lần Dung đã đi hiến máu lúc đêm hôm như thế, và lần nào cũng đến thẳng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương rồi ngồi ngoài đợi cùng với người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trước mỗi sự kiện quốc tế được tổ chức tại Hà Nội, khách quốc tế tham gia nhiều, Viện Huyết học cũng huy động CLB đi hiến để có nguồn máu dự trữ. “Tỷ lệ người nước ngoài có nhóm máu hiếm cao hơn ở nước ta rất nhiều nên làm thế để đề phòng cho tình huống khẩn cấp”, Linh giải thích.

“Gia đình máu hiếm”

Từ chỗ chỉ hơn chục người vào năm 2006, CLB hiện nay đã có trên 100 thành viên. Điều thú vị là, ý tưởng khai sinh “gia đình máu hiếm” lại đến từ một người làm trong lĩnh vực du lịch.

Anh Vũ Hữu Hiếu, nhân viên một công ty du lịch có vợ là người Mỹ - giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ - có nhóm máu hiếm. Năm 2006, khi vợ mang bầu, anh Hiếu thấy bảo người có nhóm máu hiếm khi mang bầu gặp rất nhiều rủi ro nên đã chủ động tìm đến Viện Huyết học và đề xuất ý tưởng thành lập CLB. Viện hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này. Trên cơ sở danh sách những người có nhóm máu hiếm do Viện Huyết học cấp, anh Hiếu là đã liên lạc, quy tụ những người có máu hiếm. Rồi anh lập và phát triển trang web http://nhommauhiem.com. Hiện nay, mặc dù bận rộn, Hiếu là thành viên tích cực của CLB.

“Tuy không họ hàng gì, nhưng mình và các thành viên coi CLB như gia đình thứ hai vậy. Nhiều khi, mình cần máu nhưng người ruột thịt như bố mẹ cũng không giúp được. Chỉ những người có cùng nhóm máu mới giúp nhau được thôi. Vì thế, các thành viên CLB cảm thấy có sự gắn bó và đồng cảm với nhau rất nhiều”, Linh tâm sự.

Cuối năm 2007, một thành viên của CLB bị băng huyết khi sinh con ở Bệnh viện Việt - Pháp. Bệnh nhân thiếu máu, gia đình đã liên hệ về Viện Huyết học. Viện đã gọi CLB. Các thành viên đã bố trí đi cho chị được 3 đơn vị máu, giúp người mẹ trẻ vượt qua nguy hiểm.

Hiện nay, thành viên của CLB đã mở rộng lên Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Mỗi năm, CLB họp mặt 2 lần. Những lần họp mặt, có trường hợp cả nhà thành viên đến tham dự, có thêm các chuyên gia về nói chuyện, tư vấn sức khỏe.

Nếu không có CLB, có lẽ xã hội không quan tâm nhiều về nhóm máu hiếm như hiện nay và những người có nhóm máu hiếm sẽ gặp nhiều khó khăn khi cần giúp đỡ. Chia sẻ về nguyện vọng, Phó chủ nhiệm CLB cho biết các thành viên CLB cũng đang mong muốn có thể thành lập thành Hội những người có nhóm máu hiếm để những người có nhóm máu hiếm của cả nước có cơ hội giúp nhau và giúp đỡ mọi người được nhiều hơn nữa.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN