Theo thống kê của các địa phương, đến sáng 28/9, các tuyến quốc lộ có 22 vị trí ngập, phải đóng đường 19 vị trí. Tuyến đường tỉnh có 18 vị trí ngập, phải đóng đường 14 vị trí. Ngoài ra, địa bàn huyện Kỳ Sơn có 139 người dân phải sơ tán. 706 người dân huyện Quế Phong và huyện Kỳ Sơn bị cô lập. Toàn tỉnh có 1.600 nhà bị ngập, 830 nhà bị cô lập; thiệt hại 1.503 ha lúa, 3.050 ha hoa màu, 82 ha cây hằng năm; 53 con gia súc và 2.335 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 660 ha ao hồ nuôi thủy sản bị ngập; 3 cầu loại nhỏ bị hư hỏng, 76 cầu tràn bị ngập, 5 cống bị hư hỏng, sạt lở 1.615 m đường giao thông...
Đến sáng 28/9 tại Nghệ An, lượng mưa và mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh đang giảm dần, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ đe dọa đến an toàn cho cuộc sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Theo đó, địa bàn tỉnh hiện có 293 hồ thủy lợi do địa phương quản lý và 31 hồ thủy lợi do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý đã đầy nước. Một số nhà máy thủy điện đang có kế hoạch xả nước hồ thủy điện trong những ngày tới do mực nước trong lòng hồ vượt quá quy định.
Tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Các địa phương quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; kiên quyết di dời, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực đang có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét...
Tại huyện Quỳ Châu và một số địa phương khác bị cô lập, các hộ dân phải trèo lên nóc nhà để tránh lũ. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tiếp cận, tổ chức sơ tán, di dời kịp thời, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc. UBND các cấp và các tổ chức đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách; trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ theo quy định.