Cụ thể, tại xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn), chính quyền địa phương đã chủ động di dời 30 hộ dân với 135 nhân khẩu ở bản Nam Tiến 2 đến nơi an toàn. Ông Ven Văn Khút, Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết, các hộ dân được đưa đến tránh trú tại điểm trường Tiểu học bản Nam Tiến 2. Địa phương đã cắt cử lực lượng túc trực tại điểm trường, không để người dân trở lại nhà cũ nhằm đảm bảo an toàn; đồng thời, hỗ trợ nhân dân khi cần thiết trong mưa bão. Chính quyền đã hỗ trợ người dân nước uống, mì tôm trong thời gian di dời.
Theo ông Ven Văn Khút, khu vực bản Nam Tiến 2 có 4 vết nứt lớn cắt ngang qua bản; trong đó, vết nứt lớn nhất nằm ở lưng chừng núi dài từ đầu bản đến cuối bản xuất hiện từ cuối năm 2018. Hiện nay, chính quyền địa phương đã vận động được 20 hộ dân di dời đến nơi ở mới an toàn. Đối với 30 hộ còn lại do điều kiện khó khăn, thiếu mặt bằng nên chưa thể di dời. Vì vậy, cứ mưa to là chính quyền phải vận động người dân đến tránh trú ở điểm trường Tiểu học bản Nam Tiến 2. Địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm bố trí khu tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống.
Tại xã Quang Sơn (huyện Đô Lương), trước nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã chủ động di dời 19 hộ dân với 53 người đến nơi an toàn. Theo ông Lê Văn Chơng, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, từ năm 2020, khu vực núi Chợ Bùi đã bắt đầu xuất hiện vết nứt kéo dài, tiềm ẩn nguy hiểm cho các hộ dân sống dưới chân núi. Vì vậy, mỗi khi mưa lớn, UBND xã cùng các lực lượng chức năng đều có mặt tại hiện trường để hỗ trợ và di dời các hộ dân. Dù địa phương đã đưa ra nhiều phương án giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả.
Mưa lớn nhiều ngày tại Nghệ An đã khiến một số địa phương trên địa bàn xảy ra sạt lở đường, ngập đường, chia cắt. Tại huyện Thanh Chương, mưa lớn khiến nước từ khe suối dâng cao, dòng chảy qua các cầu tràn lớn. Hiện xã Ngọc Lâm với gần 6.000 nhân khẩu đã bị chia cắt với các địa phương khác; có 3 hộ ở khu vực ngập lũ đã được di dời tới nơi an toàn. Học sinh các cấp ở xã đã được thông báo nghỉ học.
Tại huyện Diễn Châu, mưa lớn diễn ra trong thời gian dài khiến một số địa phương xảy ra ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi, đi lại và đảo lộn nhịp sống, sinh hoạt của người dân.
Để ứng phó với đợt mưa được dự báo là rất lớn sau bão số 4, nhiều nhà máy thủy điện ở Nghệ An bắt đầu vận hành xả nước điều tiết. Cụ thể, Thủy điện Nhạn Hạc tiến hành xả nước với lưu lượng xả từ 500 m3/s đến 1.200 m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc lưu lượng nước về hồ. Thủy điện Bản Cốc (xã Châu Kim, huyện Quế Phong), Thủy điện Châu Thắng (xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu) cũng tiến hành tăng lưu lượng xả từ 11,16m3/s đến 1.200m3/s.
Trước đó, ngày 18/9, Thủy điện Sông Quang tại xã Châu Thôn (huyện Quế Phong), thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn) cũng vận hành điều tiết nước hồ chứa. Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương (Nghệ An) đã vận hành giảm lũ cho hạ du với lưu lượng xả qua công trình từ 800 m3/s đến dưới 1.000 m3/s.