Ngày hội dân tộc Mông- Nơi tìm lại những bản sắc vùng cao

Diễn ra trong 2 ngày mùng 1 và 2/9, lần đầu tiên Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông được tổ chức tại huyện Than Uyên (Lai Châu). Với chủ đề “Người Mông ơn Đảng”, ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động như triển lãm ảnh gian hàng ẩm thực, thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian, liên hoan nghệ thuật quần chúng, biểu diễn trang phục dân tộc… đã thu hút đông đảo người dân đến xem, giao lưu và thưởng thức.

Góp mặt tại ngày Tết độc lập của người Mông, chúng tôi như được đắm mình trong không khí náo nhiệt của nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cổ tuyền đặc sắc. Trên nhiều trục đường trung tâm thị trấn đỏ rực cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… Hàng chục nghìn người dân mặc trang phục truyền thống độc đáo với nét mặt vui tươi, rạng rỡ cùng hội tụ về đây, chật kín các con đường. Dưới bóng cây, trên vỉa hè, những tốp nam thanh nữ tú, váy áo truyền thống sặc sỡ đứng túm ba tụm năm đùa nhau, nói chuyện không ngớt lời.

“Hôm nay rất đông người, em cùng bạn gái đến để xem văn nghệ, ở đây còn có nhiều trò chơi nữa” – anh Mùa A Dinh, dân tộc Mông, đến từ xã Tà Gia chia sẻ. Từ xã vùng cao Pha Mu, chị Tòng Thị Ga, dân tộc Mông, rất thích thú khi thấy nhiều hoạt động văn hóa của dân tộc mình mà trước đây ít dịp được tham gia, chị tâm sự: “Ở đây được nghe hát, được xem biểu diễn văn nghệ mình rất thích, nhiều hoạt động thể thao nữa, thật là vui”. Không chỉ là ngày vui riêng của người Mông, rất nhiều người từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng kéo về thưởng thức lễ hội.

Vượt quãng đường dài gần 150km để chung vui cùng ngày hội, anh Đèo Tính Chung, huyện Phong Thổ cho biết: “Bà con họ hàng của tôi ở đây nói dịp Quốc khánh năm nay có ngày hội người Mông rất lớn nên tôi đến xem. Tôi thấy rất thích thú với những trò chơi dân gian vì bây giờ không phải lúc nào cũng có cơ hội được thấy”.

Các cô gái dân tộc Mông rực rỡ áo váy mới đi đón Tết Độc lập. Ảnh: Minh Đức- TTXVN

Tại sân vận động huyện, nơi diễn ra những trận thi đấu thể thao và trò chơi dân gian, các vận động viên là chính đồng bào ở các xã đã mang đến ngày hội một tinh thần thượng võ, hết mình. Những người Mông giỏi nhất trong các bản xa, gần cùng nhau hội tụ về đây để được thi tài cao thấp. Trên bãi bắn nỏ, những xạ thủ không chuyên đang nheo mắt, bất động căn chỉnh, ngắm cho mũi tên bắn trúng hồng tâm.

Nhiều xạ thủ tuổi ngoài 40, 50 với kinh nghiệm “gừng càng già càng cay” khiến nhiều thanh niên tham gia thi đấu cũng phải “ngao ngán”. Đẩy gậy - một trong những môn thể thao được người xem cổ vũ nhiệt tình nhất, xung quanh khán giả reo hò thích thú mà không cần biết phải cổ vũ cho ai. Ngoài ra, rất nhiều trò chơi dân gian như múa khèn, đánh tù lu, giã bánh dày, ném pao, thi kéo co, chơi cù, đi cà kheo, leo cột mỡ, cầu thăng bằng... tập trung đông bà con đến thưởng thức. Đặc biệt, khu triển lãm ảnh, khu trưng bày vật dụng sinh hoạt, khu không gian ẩm thực, nơi giới thiệu các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông thu hút số lượng lớn người tham quan. Tất cả mọi người như được sống trong không gian văn hóa truyền thống từ ngàn xưa.

Là người sống lâu năm ở thị trấn, bác Công Duân tâm sự: “lâu rồi mới có một ngày hội đông vui như này, tôi thấy việc tổ chức vô cùng ý nghĩa, gìn giữ nét độc đáo, riêng có. Trước đây dịp Quốc khánh, người dân tộc tại các bản có xuống nhưng do không được tổ chức vui chơi nên số lượng ngày càng ít dần, mất đi bản sắc văn hóa. Tôi mong rằng hoạt động này sẽ là thường niên để mọi người, nhất là bà con dân tộc thiểu số mãi giữ được Tết độc lập truyền thống này”.

Trong không khí tưng bừng của ngày hội, chị Hoàng Thị Liễu, trưởng Phòng Văn hóa huyện Than Uyên chia sẻ: “Để có được niềm vui của bà con, Ban tổ chức được sự hỗ trợ của các ban, ngành của tỉnh đã rất tích cực trong khâu chuẩn bị kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo điện, an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm.... điều này góp phần vào thành công chung của Ngày hội”.


Sân khấu liên hoan nghệ thuật được xây dựng với những sắc màu đa dạng mang đặc trưng vùng cao, loạt tiết mục trình diễn trang phục dân tộc lạ mắt, độc đáo tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc của anh em đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu. Xen kẽ những bài hát giao duyên, những làn dân ca Mông là tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi - giai điệu đậm đà âm hưởng núi rừng Tây bắc. Đánh giá thành công của ngày hội, ông Phan Bá Quyết, Chủ tịch UBND huyện Thân Uyên, trưởng Ban tổ chức ngày hội phấn khởi nói: “Đây thực sự là ngày Tết chung của anh em các dân tộc chứ không còn riêng dân tộc Mông. Qua lễ hội đã tạo ra một sân chơi truyền thống thực sự, điều này thúc đẩy tình đoàn kết đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa thôn, bản”.

Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông không chỉ mang đến những nét đặc sắc văn hóa bản địa độc đáo, các môn thể thao truyền thống riêng có của người Mông vùng Tây bắc hùng vĩ. Đây còn là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, anh dũng qua các thời kỳ kháng chiến của anh em các dân tộc Lai Châu. Từ những hoạt động trên, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Mông sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy và tôn vinh, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó keo sơn các dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước.


Quang Duy
Đặc sắc ngày hội Văn hóa dân tộc Mông
Đặc sắc ngày hội Văn hóa dân tộc Mông

Nét riêng ấy đã được tôn vinh và gìn giữ không để mai một và mất đi trong sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, giữa vùng miền, truyền thống và hiện đại…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN