Ngày 3/7, bệnh nhân phi công người Anh đủ sức khỏe về nước

Ngày 3/7, Việt Nam tiếp tục có thêm một ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân số 91 là phi công người Anh sức khoẻ ổn định, có thể chuyển viện, về nước an toàn.

Tính đến chiều tối ngày 3/7, đã 78 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.859 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 120; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.040; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.699 trường hợp

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Bệnh nhân phi công người Anh đủ điều kiện sức khỏe về nước ngày 12/7

Ngày 3/7, tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19) đã chủ trì buổi hội chẩn quốc gia đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân phi công người Anh - bệnh nhân số 91.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 đã ngồi dậy, ăn uống với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, đầu giờ sáng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đã cùng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, đã vào thăm bệnh nhân 91.

Hiện tại, bệnh nhân giao tiếp tốt và tương tác với các thành viên Tổ công tác. Bệnh nhân đã có thể xoay trở, nhấc chân tay, tập nói vài câu tiếng Việt theo hướng dẫn của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê.

Tại buổi hội chẩn ở Bệnh viện Chợ Rẫy có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc bệnh viện, cùng Tổ điều trị bệnh nhân 91 của Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đại diện Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh

Tại điểm cầu Bộ Y tế có Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y…

Các điểm cầu khác như Bệnh viện Trung ương Huế có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện, cùng các chuyên gia của bệnh viện; cùng rất nhiều chuyên gia giỏi tại các điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kết luận tại buổi hội chẩn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, bệnh nhân 91 đủ tiêu chuẩn chuyển viện, bệnh nhân không phải cách ly và sẽ được làm xét nghiệm lần cuối xác nhận không còn virus SARS-CoV-2. Bệnh viện Chợ Rẫy cần xây dựng kế hoạch bàn giao bệnh nhân tại bệnh viện. Bệnh nhân có thể chuyển viện vào ngày 12/7 theo đề nghị của Đại sứ quán Anh.

Tiểu ban Điều trị giao Bệnh viện Chợ Rẫy ký hợp đồng chặt chẽ với cơ quan tiếp nhận bệnh nhân 91 theo đúng quy định pháp lý, ngoại giao; có tóm tắt hồ sơ bệnh nhân bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Từ nay đến ngày 12/7 là còn 9 ngày, bệnh nhân cần tiếp tục được tập luyện, phục hồi chức năng để đảm bảo sinh hoạt bình thường khi di chuyển bằng đường hàng không, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

ACV vẫn đặt mục tiêu doanh thu hơn 11.300 tỷ đồng

Theo thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), năm 2020, nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19; trong đó, ngành hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, trong đó có ACV.

Chú thích ảnh
Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở đánh giá các đường bay nội địa phục hồi hoàn toàn từ tháng 6/2020; đường bay quốc tế sẽ phục hồi dần theo từng khu vực từ tháng 7/2020 trở đi, ACV đặt mục tiêu sản lượng hành khách năm 2020 (không bao gồm sản lượng quốc tế của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh) đạt 65,2 triệu khách, giảm 37% so với 2019. Tổng hàng hóa bưu kiện đạt trên 1,3 triệu tấn, giảm 13% so với 2019. Tổng doanh thu 11.317 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế là 2.007 tỷ đồng.

Để đạt được chỉ tiêu trên, lãnh đạo ACV cho biết, Tổng công ty sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động đặc biệt là hệ thống trực tiếp phục vụ dây chuyền vận chuyển hàng không; đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không (trong đó có cả an ninh mạng); ưu tiên đầu tư lĩnh vực an ninh, từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, ACV thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác cảng theo quy định của Luật Hàng không; tổ chức sắp xếp dây chuyền khai thác khoa học và linh hoạt, áp dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế trong điều hành khai thác cảng.

Nông sản Việt ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa

Các doanh nghiệp nông sản ngày càng chú trọng đầu tư vào sản phẩm sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, trong thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19, nông sản Việt đã tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Đinh Thiên Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ cao Bắc Âu cho biết, đơn vị chuyên sản xuất các loại nấm đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi dịch COVID-19 xảy ra, 90% đối tác đã hủy đơn hàng, trong khi theo quy trình, nấm trồng chỉ khoảng 2 tháng sẽ phải thu hoạch, nếu không sẽ mất trắng. Vì vậy, doanh nghiệp đã phải tìm hướng đi mới là sản xuất, chế biến nấm tươi thành nấm đóng hộp, patê nấm, nước sốt từ nấm…Từ khi chuyển đổi, sức mua của các mặt hàng này tăng cao khoảng 30-40%, giúp doanh nghiệp thoát cảnh "mất trắng" và phát triển thêm mảng sản phẩm đồ hộp phục vụ thị trường trong nước.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến ngành nông nghiệp và thay đổi xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam. Theo đó, đa số người tiêu dùng đã chọn các sản phẩm nông sản nội địa có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều hơn. "Việc tổ chức các phiên chợ tuần nông sản thực phẩm an toàn trên cả nước sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận được nhiều nông sản an toàn, đồng thời các HTX nông nghiệp cũng có dịp kết nối được với doanh nghiệp phân phối lớn, các nhà sản xuất để đưa hàng vào hệ thống siêu thị nhằm tạo ra chuỗi nông sản an toàn, bền vững cho người tiêu dùng", ông Lê Đức Thịnh nói.

XC/Báo Tin tức
Rủi ro khi sử dụng các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới
Rủi ro khi sử dụng các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

Hiện một số dịch vụ truyền hình xuyên biên giới (OTT TV) của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp tại Việt Nam chưa được cấp phép có một số nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN