Ngành y tế Việt Nam sánh vai thế giới

Trong những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của ngành y tế nước ta luôn đạt được những thành tựu to lớn. Nhiều kỹ thuật mới ở Việt Nam đã phát triển tương đương các nước trong khu vực và các nước phát triển, bên cạnh đó, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã đi tiên phong và truyền kinh nghiệm, giảng dạy cho các bác sỹ nước ngoài.


Ứng dụng thành công kỹ thuật cao


Đã có 26 công trình thuộc 11 lĩnh vực được quốc tế công nhận là thành tựu y dược nổi bật của Việt Nam như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nhãn khoa, hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật nội soi, can thiệp chấn thương chỉnh hình… Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, cho rằng trong những năm qua, phát triển kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế ở nước ta không thua gì các nước trong khu vực; thậm chí có nhiều lĩnh vực còn ngang hàng với các nước phát triển trên thế giới.

Nhiều kỹ thuật cao như mổ nội soi, ghép gan, thận, phẫu thuật tim… đã được thực hiện rất thành công ở Việt Nam.


Một trong những kỹ thuật y học phát triển nhất trong khu vực của Việt Nam là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Kể từ khi phát triển kỹ thuật TTTON đến nay, cả nước đã có 15 trung tâm TTTON với hơn 10.000 trẻ ra đời. Kỹ thuật này không những tạo được niềm tin của người dân trong nước mà ngay cả người nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam để thực hiện kỹ thuật này. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Một trường hợp đặc biệt là Tiến sĩ C.H, chuyên gia nổi tiếng thế giới hiện nay, ông là đồng tác giả của quyển sách giáo khoa về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nổi tiếng nhất thế giới (tái bản đến lần thứ 4) đã đến Việt Nam để thực hiện TTTON và thành công. Việc ông đến Việt Nam để thực hiện TTTON cũng là một sự kiện chấn động trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Điều này cho thấy sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật này tại Việt Nam”.


Theo thống kê, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị TTTON tại Bệnh viện Từ Dũ, An Sinh, Vạn Hạnh và con số này còn có xu hướng tăng trong thời gian tới.


Không chỉ thành công TTTON, nhiều kỹ thuật cao được các bệnh viện trong nước thực hiện rất thành công như: Kỹ thuật thông liên thất ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đứng đầu khu vực. Bình thường trẻ phải nặng từ 5 kg trở lên mới phẫu thuật được nhưng Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phẫu thuật thành công cho trẻ chưa đầy 2 kg. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 900 ca can thiệp tim mạch được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Không những thế, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng kỹ thuật nong mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống; kỹ thuật nội soi ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng rất phát triển…

 
Phát triển y tế chuyên sâu


Với những thành tựu mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, không chỉ thu hút người nước ngoài qua Việt Nam khám chữa bệnh mà còn thu hút cả đội ngũ y bác sỹ của các nước trong khu vực đến học tập. Theo đó, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 100 bác sỹ nước ngoài đến học về kỹ thuật nội soi. Từ năm 2004, Việt Nam bắt đầu nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ hỗ trợ sinh sản cho các đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Trung tâm CREST thuộc khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một trong bốn trung tâm đào tạo hỗ trợ sinh sản lớn của khu vực châu Á (Xinhgapo, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc). Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận rất nhiều bác sỹ đến từ Pháp, Philíppin, Thụy Sỹ, Mỹ…, sang học tập các kỹ thuật mổ vi phẫu, nối mạch, mổ cột sống…


Không chỉ có lực lượng y, bác sỹ nước ngoài sang Việt Nam học tập kinh nghiệm, số lượng bệnh nhân đến từ các nước trong khu vực như Lào, Campuchia đến khám và điều trị tại Việt Nam cũng tăng hàng năm. Trung bình mỗi năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh có hơn 10.000 lượt bệnh nhân là người nước ngoài đến khám và điều trị.


Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cho biết: “Bệnh viện đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhất thế giới như ghép tế bào gốc đồng loại, diệt tủy tối thiểu bằng tế bào gốc lấy từ máu ngoại vi… Do đó, bệnh viện đã thu hút rất nhiều bệnh nhân người nước ngoài như: Lào, Trung Quốc, Ôxtrâylia…, đến điều trị tại bệnh viện”.


Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng theo ông Trần Quý Tường, để nâng cao hơn nữa công tác khám chữa bệnh, ngành y tế sẽ tập trung vào việc phát triển y tế chuyên sâu. Theo đó, ngành sẽ lựa chọn những thành tựu, thế mạnh mũi nhọn y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh của mỗi bệnh viện, mỗi chuyên khoa để đầu tư hơn một bước nhằm thực hiện được các kỹ thuật khó; đồng thời tập trung vào các lĩnh vực phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm ở các khoa như: tiêu hóa, ung thư, chấn thương chỉnh hình…


Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam không chỉ đạt được những thành tựu cao trong y dược mà còn là một trong số ít nước đã đạt được mục tiêu phát triển như: Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh từ những năm 1990, khống chế bệnh sốt rét, HIV/AIDS và các bệnh dịch lây nguy hiểm…



Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN