Tăng cường cảnh báo và hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để ứng phó trong sản xuất lúa và chống nóng cho gia súc, gia cầm các tỉnh phía Bắc là những ưu tiên của ngành nông nghiệp hiện nay.
Đảm bảo đủ nước, theo dõi sâu bệnh cho lúa
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), hiện nay, tại các tỉnh phía Bắc, điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp ảnh hưởng rất lớn tới sinh trưởng, phát triển của các trà lúa vụ đông xuân 2011 - 2012. Đáng lo ngại nhất hiện nay là diện tích lúa ở khu vực Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc đang ở thời điểm trỗ bông. Nhiệt độ thích hợp cho quá trình này là 30 - 350C. Tuy nhiên, liên tiếp gần 1 tuần qua, nhiệt độ luôn 41- 420C, cộng với độ ẩm giảm xuống dưới 50% là hết sức bất lợi, sẽ ảnh hưởng xấu tới năng suất. Bắc Trung bộ với 340.000 ha sẽ ảnh hưởng nặng nhất vì lúa trỗ sớm hơn cả. Còn đồng bằng sông Hồng có diện tích khoảng 560.000 ha lúa mới trỗ được khoảng 1/3 diện tích nên chưa ảnh hưởng lớn.
Tìm cách “hạ nhiệt” mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Nguyễn Thủy – TTXVN |
Sáng qua (4/5), Cục Trồng trọt đã có công điện khẩn gửi các địa phương đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc về triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với nắng nóng cho sản xuất lúa. Theo đó, Cục Trồng trọt yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại đến sinh trưởng, phát triển của lúa.
Cụ thể, tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa, đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong mỗi giai đoạn phát triển, giảm bớt ảnh hưởng không có lợi tới quá trình thụ phấn của lúa. Cần giữ nước sâu trong ruộng; phun nước cho cây lúa, tạo điều kiện tăng độ ẩm không khí để tăng sức sống hạt phấn và tăng tỷ lệ kết hạt.
Nhiệt độ cao cũng là điều kiện kích thích sâu bệnh phát triển mạnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, đạo ôn. Vì thế, Cục Trồng trọt đề nghị các cơ quan địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện để phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh và nghiêm túc, triệt để phòng trừ đối với một số loại sâu bệnh hại đang phát triển.
Với những diện tích lúa chuẩn bị làm đòng, nông dân phải tiến hành bón đón đòng kịp thời, cân đối đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều, trỗ tập trung; bón bổ sung cho những diện tích lúa có hiện tượng thiếu dinh dưỡng.
Chăn nuôi: Đối diện nỗi lo sụt giảm đàn
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 4/5, chưa có báo cáo về tình hình thiệt hại đối với gia súc gia cầm do nắng nóng từ các địa phương gửi về. Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu, vấn đề nắng nóng hiện nay đáng ngại nhất là đối với những hộ chăn nuôi theo trang trại (gà, lợn, bò sữa). Nếu nắng nóng kéo dài mà không có các biện pháp kịp thời thì nguy cơ xảy ra sụt giảm đàn là rất lớn.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, trước dự báo nhiều đợt nắng nóng gay gắt sẽ còn tiếp diễn với cường độ cao trong những tháng tới, Bộ sẽ gấp rút đưa ra những khuyến cáo đối với người chăn nuôi để tăng cường các biện pháp chống nóng cho gia súc gia cầm và vật nuôi. Cụ thể, trước mắt người chăn nuôi cần có các biện pháp để giảm mật độ con/đàn nhằm hạn chế sự tăng nhiệt cho gia súc nhỏ, gia cầm. Với gia súc lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến bò sữa cũng rất đáng ngại. Ngoài biện pháp chống nóng chuồng trại, cần phải đáp ứng đủ nguồn nước cho vật nuôi.
Tại tỉnh Lào Cai, một trong những tỉnh nhiệt độ cao kỷ lục trong mấy ngày qua, nắng nóng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của địa phương. Theo ông Lê Thanh Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay, ngành đang có những ứng phó kịp thời. Căn cứ vào dự báo thời tiết 10 ngày của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, Sở NN&PTNT đã có các bản tin cảnh báo về thời tiết, ra văn bản chỉ đạo với các giải pháp ứng phó cho từng huyện cụ thể. Đặc biệt, đối với chăn nuôi, ngành cũng khuyến cáo nông dân thực hiện những phương án tránh nóng kịp thời cho gia súc.
Cũng theo nhận định của Cục Chăn nuôi, nếu nắng nóng kèm theo việc mất điện và thiếu nước thì thiệt hại cho người chăn nuôi là rất lớn. Vì thế, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, với chính quyền cơ sở, Cục sẽ sớm có văn bản để khuyến cáo, đề nghị có những ưu tiên nhất định đối với việc cấp điện, nước cho các cơ sở chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi trang trại.
Mạnh Minh