Nhu cầu về thực phẩm của người dân thường tăng cao đột biến vào dịp cuối năm. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được dịp hoành hành và người tiêu dùng lại bắt đầu “lo ngay ngáy” về chuyện thực phẩm “bẩn”.
Khó kiểm soát nông sản nhập ngoại
Thị trường đang bước vào những tháng mua sắm lớn nhất trong năm, khi người dân được nghỉ lễ dài ngày. Tận dụng cơ hội này, những loại nông sản, không rõ nguồn gốc đang được tung ra để tiếp cận các “thượng đế”.
Người tiêu dùng không phân biệt được hoa quả “nội” hay “ngoại” tại các chợ dân sinh. Hữu Vinh |
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, chỉ tính riêng 3 chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bao gồm Tam Bình, Hóc Môn và Bình Điền, mỗi ngày đã có khoảng hơn 500 tấn rau, củ, quả có nguồn gốc nước ngoài được nhập về.
Mới 1 giờ sáng nhưng chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8) đã tấp nập người mua kẻ bán. Càng về gần sáng, khu vực này lại càng sôi động với hàng ngàn người nối đuôi nhau đến mua hàng, sau đó tỏa về những điểm bán nhỏ lẻ trên toàn thành phố.
Tại các quầy, sạp bán rau củ quả, người dân không khó phát hiện những thùng hàng nông sản không có nguồn gốc, được chất thành từng đống. “Do có giá rẻ và hình thức lại bắt mắt hơn hẳn hàng trong nước nên rất nhiều loại nông sản nhập lậu bằng đường tiểu ngạch đang được bày bán công khai tại chợ. Không thể kiểm soát được tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm...”, chị Thu chủ một cửa hàng kinh doanh rau củ quả tại đây cho biết.
Tương tự, tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), hàng đêm, hàng đoàn xe tải chất đầy hoa quả ngoại lại ùn ùn kéo về, vây kín khu vực xung quanh chợ. Táo, lê, dưa hấu, dứa, chanh... và nhiều loại hoa quả khác được cửu vạn bốc dỡ, bày bán ngay tại chỗ.
Những ngày giáp Tết, nhu cầu của người tiêu dùng thường tăng 30 - 50% so với ngày thường. Do một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý e ngại đối với những mặt hàng giá rẻ có xuất xứ từ nước ngoài, nên để dễ dàng bán được hàng, không ít các chủ hàng cố tình trộn lẫn hàng nhập ngoại với hàng trong nước hoặc lập lờ nguồn gốc để lừa khách hàng.
Giá nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản vốn được ưa chuộng trong 3 ngày Tết như: cà rốt, táo, khoai tây... thường chỉ bằng 2/3 so với hàng trong nước. Khi kiểm tra hàng nhập khẩu, ngành chức năng chỉ kiểm tra về mặt giấy tờ, hóa đơn chứng từ là chính, chứ ít lấy mẫu kiểm định chất lượng.
Có nhiều năm kinh doanh các mặt hàng rau củ quả nhập từ biên giới các tỉnh phía bắc, anh Dũng nhà ở đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều loại nông sản kém chất lượng hoặc bị thị trường nước bạn tẩy chay, thường được bán cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sau khi xâm nhập vào thị trường nội địa, các loại nông sản được “mông má” lại để đánh lừa người tiêu dùng. “Để hợp thức hóa lượng hàng hóa nhập lậu này, doanh nghiệp trong nước thường trộn vào hàng có hóa đơn chứng từ. Mỗi ngày tại các tỉnh biên giới có hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Việc kiểm soát chất lượng các loại nông sản này có thể nói là nhiệm vụ bất khả thi”, anh Dũng nhận định.
Nhiều mẫu nhiễm kháng sinh, thuốc trừ sâu
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 11, Cục phát hiện 12 mẫu thịt gà bị nhiễm vi sinh vật và tồn dư hàm lượng thuốc kháng sinh. Cụ thể, có 2 mẫu nhiễm Campylobater (thuốc kháng sinh); 6 mẫu nhiễm Chloramphennicol và Furazolidon (chất cấm); 4 mẫu thịt gà có hàm lượng tetracycline (kháng sinh) vượt dư lượng cho phép. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng đã lấy 96 mẫu rau, củ, quả... kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 8 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép gồm: 1 mẫu củ cải trắng, 5 mẫu quýt, 2 mẫu cà rốt. Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát, Cục BVTV còn phát hiện 26 mẫu trong tổng số 212 mẫu thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn quy định.
Mới đây, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã phát hiện vụ nhập lậu 160.000 tuýp thuốc kích thích nảy mầm giá đỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cục BVTV đã tiến thành tiêu hủy số thuốc này vì đây là loại thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng.
Ông Phạm Đồng Quảng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vào dịp Tết, nhu cầu thực phẩm, rau, quả... tăng mạnh. Do vậy, cục đã có công văn yêu cầu các sở tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kết quả kiểm tra rất đáng báo động bởi số lượng mẫu vi phạm chiếm tới 8,6%. Đặc biệt, những tháng cuối năm, lượng rau củ quả nhập vào Việt Nam sẽ tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Tết Nguyên đán. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường vào cuộc ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn vào thị trường.
Hữu Vinh - Lê Nghĩa