Nên mở rộng diện người cao tuổi hưởng trợ cấp

Tại Hội thảo “Già hóa dân số Việt Nam và định hướng xây dựng Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi 2011- 2020” tổ chức ngày 20/9, đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến nghị nên mở rộng diện đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.

20% số người già có lương hưu hoặc trợ cấp

Năm 2010, cả nước ta có 8,15 triệu người cao tuổi. Đáng lưu ý, tốc độ già hóa của dân số Việt Nam đang ngày càng nhanh. Theo ông Nguyễn Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số (Bộ Y tế), từ 2009- 2010, số lượng và tỉ trọng người cao tuổi tăng bằng 10 năm trước.

Số người cao tuổi có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp xã hội chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn.


Việc gia tăng số lượng người cao tuổi là biểu hiện đáng mừng, cho thấy nền kinh tế phát triển và chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, tuy nhiên, đời sống vật chất của người cao tuổi nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, có tới 70% số người cao tuổi không có tích lũy vật chất. Số người cao tuổi có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp xã hội chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, với khoảng 20%.

Điều đáng nói, có tới 72% số người cao tuổi đang sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. “Tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch họa dẫn tới thu nhập của người nông dân nói chung và người cao tuổi nói riêng thấp”- ông Trọng cho biết.

“Già hóa không phải là một gánh nặng. Nhưng nó sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta không nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách để giải quyết khuynh hướng này”, bà Mandeep Janeja- Phó Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói.

Nâng mức bao phủ trợ cấp cho người già

Theo bà Janeja, trợ giúp xã hội dành cho nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương cần trở thành một hệ thống dành cho tất cả mọi người, chú ý tới nhóm phụ nữ cao tuổi, người cao tuổi sống ở nông thôn và người cao tuổi là người dân tộc thiểu số.

Nhiều năm qua, người cao tuổi là đối tượng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện qua các chính sách dành cho đối tượng này. Hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng ngày càng phát triển. Việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng người già cô đơn không có điều kiện sống tại cộng đồng được Chính phủ cho phép và khuyến khích xây dựng. Đến nay, cả nước hiện có hơn 412 cơ sở bảo trợ xã hội với 190 cơ sở công lập, nuôi dưỡng trên 6.000 người cao tuổi.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi đã ngày càng tăng. Năm 2000 chỉ 45.000 đồng/người/tháng, năm 2010 nâng lên thành 180.000 đồng/người/tháng. Chính phủ còn tạo cơ chế thoáng cho các địa phương trong việc quyết định mức trợ cấp xã hội. Có nhiều tỉnh đã nâng mức này lên cao hơn mức quy định của Chính phủ từ 1,2 đến 2 lần.

Tuy vậy, mức trợ cấp xã hội còn thấp. Bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích: Do chỉ bằng 21% lương tối thiểu nên mức trợ cấp này chỉ bằng 45% so với chuẩn nghèo đối với nông thôn hiện nay. “Nhiều người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội là những người sống trong các gia đình nghèo. Mức đó khó có thể đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu”, bà Nhung nói.

Mặc dù đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đã từng bước được mở rộng trong nhiều năm qua, nhưng theo bà Nhung, độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội với người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Ước tính, có khoảng 1 triệu người cao tuổi sống trong các gia đình nghèo, trong đó, một bộ phận người cao tuổi vẫn chưa được tiếp cận với trợ cấp xã hội. Việc trợ giúp cũng vẫn chưa đến hết được nhóm người cao tuổi gặp khó khăn, những người cao tuổi sống dưới chuẩn nghèo. “Nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chính sách trợ cấp chưa với tới được”, bà Nhung cho biết.

Cũng theo Cục Bảo trợ xã hội, bên cạnh yếu tố hạn chế nguồn ngân sách, còn một nguyên nhân là tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội còn bó hẹp. “Chính sách quy định những người được trợ giúp là những đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tiêu chí “đặc biệt khó khăn” ở đây vô hình trung đã loại bỏ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa “đạt” đến ngưỡng “đặc biệt”- bà Nhung nói.

Nhằm gợi ý để hoàn thiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi trong 10 năm tới, đại diện Cục Bảo trợ xã hội khuyến nghị cần mở rộng diện đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. “Cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách để mở rộng diện bao phủ theo hướng người cao tuổi có mức sống dưới chuẩn nghèo sẽ thuộc diện hưởng trợ cấp của nhà nước”, bà Lê Tuyết Nhung gợi ý. Bên cạnh đó, cần đổi mới chính sách bảo trợ xã hội theo hướng mức trợ cấp tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN