Nâng cao năng lực kiểm định trang thiết bị y tế

Tăng cường liên doanh liên kết sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao tại Việt Nam; công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế là một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội thảo “Thiết bị y tế trong chăm sóc sức khỏe - nơi hội tụ thương hiệu mạnh”

Hệ thống máy lọc thận theo công nghệ của Nhật tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

"Công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thiết bị y tế chưa theo kịp và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác kiểm tra chất lượng trang thiết bị y tế nhập khẩu cũng như các trang thiết bị sản xuất trong nước chưa thực sự đảm bảo theo yêu cầu. Hệ thống các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của các trang thiết bị y tế chưa đầy đủ và chưa đồng bộ gây khó khăn cho công tác kiểm tra chất lượng trang thiết bị y tế" là nhận định của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) tại hội thảo “Thiết bị y tế trong chăm sóc sức khỏe- nơi hội tụ thương hiệu mạnh”, do Viện tổ chức ngày 9/3 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, trang thiết bị y tế giữ một vai trò quan trọng quyết định tới hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh. Trang thiết bị y tế hỗ trợ cho người thầy thuốc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Thời gian qua, hệ thống y tế trong cả nước đã được đầu tư nâng cấp, trong đó trang thiết bị y tế chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng và giá trị với nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau. Lĩnh vực trang thiết bị y tế trong khoảng 10 năm trở lại đây đã có những bước tiến lớn trong việc thực hiện hội nhập về quản lý. Công tác thanh tra trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế được Bộ Y tế đẩy mạnh nhằm giám sát tính hiệu quả của việc đầu tư trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành hơn 200 tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh: "Tuy nhiên, trong lĩnh vực trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, tại hội thảo đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như các biện pháp để tăng cường liên doanh liên kết sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao tại Việt Nam; công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực mạng lưới kiểm chuẩn và kiểm định thiết bị y tế để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân...".

Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đầu tư trang thiết bị y tế cận lâm sàng hiện đại phục vụ chẩn đoán điều trị. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ,  trong những năm gần đây, nhu cầu về trang thiết bị ở nước ta rất lớn. Hàng năm, Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị y tế; ngoài ra cũng có hàng nghìn tỷ đồng vốn ODA và viện trợ không hoàn lại. Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế đã có những bước chuyển biến cơ bản. Các thiết bị y tế sử dụng kỹ thuật cao (như máy cộng hưởng từ, siêu âm màu, máy chụp nội soi, máy ứng dụng từ trường...) đã được trang bị cho nhiều cơ sở y tế góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Nhà nước cũng có những chính sách thích hợp nhằm động viên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế của các cơ sở khoa học công nghệ trong và ngoài ngành y tế. Đến nay đã có trên 100 đơn vị nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trang thiết bị y tế với hơn 800 sản phẩm được sản xuất trong nước đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Bộ Y tế cũng đã tổ chức lại hệ thống sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế để phục vụ cho nhu cầu về trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế trong cả nước...

Viện Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết: Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện nay, ngành y là một trong những ngành được áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Các thiết bị hiện đại dần được áp dụng để giám sát các đại lượng đặc trưng của cơ thể nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe con người, giúp cho các giáo sư và bác sỹ có quyết định chính xác và kịp thời trong công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, công tác kiểm định các trang thiết bị y tế, đặc biệt là các trang thiết bị sau khi sửa chữa lớn chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến sai số trong chẩn đoán và điều trị. Mặt khác, đa số các cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức tới công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trang thiết bị y tế (nhất là cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và các phòng khám khu vực) nên thiết bị y tế bị xuống cấp nhanh chóng, tuổi thọ giảm...

Thạc sỹ Chu Hồng Thắng, Phó Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, hiện nay, Viện chủ yếu thực hiện công tác kiểm định và kiểm tra chất lượng trang thiết bị y tế theo qui định. Viện có 2 bộ phận tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 8 kiểm định viên. Hàng năm, Viện kiểm định khoảng 1.200 – 1.500 trang thiết bị y tế và kiểm tra chất lượng từ 900- 1.300 thiết bị y tế. Thời gian tới, Viện tiếp tục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế theo qui định về chất lượng sản phẩm hàng hoá, theo qui định của nhà sản xuất...

Thu Phương (TTXVN)
Xuất cấp trang thiết bị y tế để phòng chống dịch bệnh
Xuất cấp trang thiết bị y tế để phòng chống dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) trang thiết bị y tế thuộc hàng dự trữ quốc gia cho các bệnh viện được Bộ Y tế phân công tham gia phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN