Mặc dù các cơ quan chức năng đã không ít lần mở các đợt tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý sai phạm, nhưng thực tế cho thấy trật tự an toàn giao thông đường thủy (ATGTĐT) ở Hà Nội vẫn canh cánh nỗi lo mất an toàn. Bởi mới đây, vụ tai nạn tại Km61 tuyến sông Hồng thuộc địa bàn xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội, cướp đi sinh mạng của hai cha con trên thuyền đánh cá, cũng như hàng ngàn vụ vi phạm được phát hiện và xử lý chỉ trong những tháng đầu năm 2012 càng lộ rõ hơn nỗi lo đó, nhất là khi tai nạn xảy ra trên sông nước thì người và của chỉ còn đường "đi cùng Hà bá".
Phạt nhiều, vi phạm vẫn tái diễn
Hành trình trên chiếc ca nô của chúng tôi bắt đầu từ Chèm, theo phía hữu con sông Hồng ngược lên về phía Đông Ngạc, rồi cảng Liên Mạc, huyện Từ Liêm. Tiếng động cơ vang lên trên mặt nước sông Hồng mênh mang tĩnh lặng, bỏ lại phía sau một vệt sóng dài trắng xóa. Đi chừng 2 km, bắt gặp tàu thủy BKS Thái Bình - 1699 đang neo đậu bên cảng Liên Mạc để bốc hàng, chiếc ca nô nhanh chóng rẽ sóng rồi từ từ tắt động cơ và nép sát thân tàu. Các chiến sĩ đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT), Công an thành phố Hà Nội nhanh chóng leo lên tàu, tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính.
Các chiến sĩ Đội CSGT đường thủy số 2, Phòng CSGT đường thủy Hà Nội kiểm tra tàu chở hàng trên sông Hồng. |
Nét mặt bối rối, Tô Quang Việt, thuyền trưởng tàu thủy BKS Thái Bình -1699, trình bày: “Tàu của tôi chở than từ Quảng Ninh lên Hà Nội, hành trình kéo dài 29 tiếng đồng hồ thì cập cảng Liên Mạc. Trên tàu, còn có một máy trưởng cùng hai thuyền viên”. Vậy nhưng khi CSGTĐT yêu cầu xuất trình giấy tờ theo quy định thì thuyền trưởng Tô Quang Việt ấp úng trả lời: “Đăng kiểm cùng giấy tờ, chứng chỉ có liên quan đều đã được "làm tắt", đưa về cảng Quảng Ninh để “xếp sổ” quay vòng chuyến mới cho kịp thời gian theo "con nước". Mong các anh thông cảm!”.
Nghe trọn câu trả lời của thuyền trưởng tàu Thái Bình - 1699, Thiếu tá Đặng Mạnh Hùng, đội 2, Phòng CSGTĐT, Công an thành phố Hà Nội quay sang chúng tôi, cho hay: “Có một thực tế đã và đang tồn tại là chủ các tàu, các thuyền trưởng thường không xuất trình được giấy tờ, chứng chỉ có liên quan do họ đã chủ động "làm tắt" đem về bến trước. Tuy nhiên, lỗi vi phạm này là khá nhẹ và do đặc thù giao thông sông nước nên chúng tôi thường chỉ nhắc nhở, còn các trường hợp vi phạm khác như: Chở quá tải, neo đậu phương tiện không đúng quy định, không có bằng thuyền trưởng, chở hàng quá tải cho phép, thiếu thiết bị an toàn, không đăng ký đăng kiểm, đón trả khách ở bến không phép, không có chứng chỉ nghiệp vụ... làm ảnh hưởng đến trật tự ATGTĐT thì phải lập biên bản xử lý hành chính”.
"Chúng tôi luôn kiên quyết xử lý để nêu cao ý thức cho các chủ phương tiện, bởi đường thủy có sự phức tạp và nguy hiểm khác với đường bộ. Khi trên sông nước đã xảy ra tai nạn thì người và phương tiện chỉ có "đi cùng Hà bá" chứ hiếm có trường hợp bị thương. Mà mới đây, vụ tai nạn tại Km61 tuyến sông Hồng thuộc địa bàn xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội, khi tàu trọng tải 350 tấn, chở cát từ Tuyên Quang về Bắc Ninh, đến địa điểm trên đã va chạm với thuyền đánh cá lắp máy công suất 8CV, cướp đi sinh mạng của hai cha con trên thuyền đánh cá đã cho thấy sự phức tạp và nguy hiểm của giao thông đường thủy" - Thiếu tá Đặng Mạnh Hùng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Văn Điển, Đội 2 Phòng CSGTĐT cho biết: “Việc lập biên bản xử lý những trường hợp vi phạm không đơn giản, bởi có những trường hợp đối tượng vi phạm thường dùng những biện pháp, thủ đoạn để gây rối đối với cơ quan chức năng, như: Tắt máy, đóng cửa khoang điều khiển, cho thả trôi phương tiện theo dòng nước. Có trường hợp, đối tượng còn manh động ôm con ra sát mạn tàu đe dọa sẽ nhảy xuống sông tự tử nếu bị lập biên bản, thu giữ phương tiện. Vì vậy, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đội 2 Phòng CSGTĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật ATGTĐT, các văn bản pháp luật trong việc đảm bảo trật tự ATGTĐT nội địa, Nghị định 60/2011/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực xử lý các vi phạm trật tự ATGTĐT nội địa kết hợp với kiểm tra, xử lý các vi phạm”. Được biết, từ đầu năm đến nay, Đội 2 Phòng CSGTĐT Hà Nội đã tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý sai phạm, lập biên bản xử lý 624 trường hợp, phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước 635 triệu đồng, trong đó có 11 trường hợp khai thác cát trái phép.
Thế nhưng, những nỗ lực kiên quyết xử lý vi phạm, lập trật tự ATGTĐT của lực lượng chức năng lại đang bộc lộ một nghịch lý là số vụ vi phạm ATGTĐT vẫn không giảm, mà tái diễn hết năm này sang năm khác. Hiện trên toàn tuyến đường thủy nội địa qua thành phố Hà Nội có 9 sông chảy qua, gồm: Sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Cầu, sông Đáy, sông Tích... với tổng chiều dài gần 300 km. Trong đó, có 16 cảng hàng hóa, 102 bến bốc xếp, 33 bến thủy nội địa, 66 bến khách ngang sông, 9 bến phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí. Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng CSGTĐT Hà Nội cho biết: Sáu tháng đầu năm, Phòng CSGTĐT đã tuyên truyền cho trên 200 lượt bến thủy nội địa, trên 5.000 lượt người điều khiển phương tiện, người tham gia GTĐT về Luật GTĐT nội địa; kiểm tra, chấn chỉnh 38/38 bến. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, đồng thời lập biên bản đình chỉ hoạt động và xử lý hành chính 11 bến hoạt động không có giấy phép. Song vẫn còn 2.319 trường hợp vi phạm bị xử, tăng 392 vụ so với cùng thời điểm năm trước; số tiền phạt xấp xỉ 1,8 tỷ đồng, tăng hơn 30 triệu đồng so cùng kỳ năm 2011.
Thiếu bãi tạm giữ phương tiện
Theo Nghị định 09/2005/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi điều khiển phương tiện thủy không có bằng lái, không chứng chỉ hành nghề và phương tiện thủy trong diện phải đăng ký, đăng kiểm không thực hiện, ngoài bị phạt tiền còn bị tạm giữ phương tiện. Quy định rất rõ ràng, thế nhưng kể từ khi Nghị định 09/2005/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành đến nay, rất ít phương tiện vi phạm tại các tuyến giao thông đường thủy ở Hà Nội bị tạm giữ.
Lý giải việc này, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng CSGTĐT, Công an thành phố Hà Nội cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là khi xử lý phương tiện vi phạm không biết đưa phương tiện về đâu, và việc tổ chức trông giữ cũng hết sức phức tạp. Hiện toàn thành phố Hà Nội chưa có nơi giam giữ phương tiện thủy. Trong khi đó, mỗi phương tiện thủy thường có chiều dài tới 20m, rộng tới 3m. Cứ thử hình dung, nếu cả dàn thuyền, tàu vi phạm bị tạm giữ sẽ cần đến bao nhiêu diện tích để trông giữ. Hơn nữa, những trường hợp tàu, thuyền vi phạm buộc phải tạm giữ, đơn vị thường phải phối hợp với chính quyền địa phương đưa tạm về một bến nào đấy để địa phương tự tổ chức trông giữ, mất rất nhiều thời gian, công sức mà vẫn không chính quy”.
"Trên đường bộ, khi phát hiện phương tiện vi phạm có thể điều xe chuyên dụng kéo về bãi để xử lý. Nhưng dưới nước, CSGTĐT cũng như thanh tra giao thông đường thủy đều chưa được trang bị tàu kéo công suất lớn. Vì vậy, không thể cưỡng chế với các phương tiện thủy có trọng tải lớn. Đáng ngại hơn, khi gặp những phương tiện với nhiều lỗi vi phạm và có thể gây nguy hiểm cho các tàu thuyền khác đang lưu thông trên sông, lực lượng chức năng phải đi thuê tàu có sức kéo lớn để đưa vào bờ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh trên đường thuỷ. Mà để xây dựng bến bãi tạm giữ phương tiện lại vượt quá khả năng, thẩm quyền của CSGTĐT. Chính vì vậy, hạn chế này đã làm giảm hiệu quả công tác cưỡng chế" - Thượng tá Nguyễn Văn Cương bày tỏ.
Trao đổi về nguy cơ mất ATGTĐT cũng như những khó khăn trong công tác này, một cán bộ công tác lâu năm trong Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định: Việc xử lý vi phạm trong GTĐT rất khó khăn so với giao thông đường bộ. Nhiều trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng không biết bắt chủ phương tiện hạ tải ở đâu. Chẳng lẽ bắt họ đổ hàng xuống sông? Mà tạm giữ phương tiện thì không có chỗ để neo đậu, không có người canh giữ phương tiện. Cực chẳng đã, khi phát hiện vi phạm, CSGTĐT, Thanh tra giao thông cũng chỉ lập biên bản, ra quyết định xử phạt tiền trực tiếp hoặc yêu cầu chủ phương tiện cam kết không tái phạm, rồi lại cho chủ phương tiện hoặc người lái tiếp tục lưu thông. Vì thế có thể thấy, dù thành phố đã và đang mở cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm về GTĐT nội địa nhằm bảo đảm ATGT trong mùa mưa lũ, thì việc xử lý cũng chỉ như hình thức bắt cóc bỏ đĩa. Nếu thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm chưa được khắc phục thì hiệu quả trong công tác ATGTĐT cũng khó đạt được. Đây là vấn đề nan giải cho các lực lượng chức năng khi xử lý các trường hợp vi phạm.
Bài và ảnh:Viết Tôn-Anh Tùng