Năm đột phá phát triển BHXH tự nguyện

Từ khi có Nghị quyết số 28 – NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, năm 2019, số người tham gia mới bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên cả nước đạt khoảng 551.000 người, tăng gấp đôi số người vận động trong hơn 10 năm qua. Sự tăng trưởng này là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, BHXH các địa phương.

Thay đổi nhận thức vùng quê

Trước đây, khi nhắc đến BHXH tự nguyện, lương hưu, vùng quê thuần nông xã Khánh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), người dân vẫn thấy xa lạ vì luôn nghĩ chỉ những ai làm cán bộ nhà nước hoặc làm công ty mới có BHXH. Trong hơn một năm qua, nhiều người mới biết đến rộng rãi tham gia BHXH tự nguyện có lương hưu.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Bà Phạm Thị Oanh (xóm Đông Phú, xã Khánh Thành) cho biết: “Tôi đã 51 tuổi, nên không biết tham gia BHXH tự nguyện thì có còn đủ thời gian sống mà lĩnh lương hưu hoặc lỡ có vấn đề gì thì có được lấy lại tiền”.

Băn khoăn của bà Oanh cũng là tâm tư của nhiều người dân vùng thuần nông này. Bà Hoàng Thị Chín, Giám đốc BHXH huyện Yên Thành chia sẻ: “Thực tế người dân đến hội nghị cũng đã được các đại lý BHXH tư vấn, nhưng họ vẫn muốn hỏi cụ thể về hoàn cảnh của họ, có thể vận dụng điều khoản nào của luật BHXH: Nếu tuyên truyền mà theo văn bản thì người dân sẽ không hiểu. Do đó, chính tôi cũng phải xuống cơ sở để nghe tâm tư người dân, tư vấn và tự rút ra từ thực tế xem người dân đang cần gì để tổng hợp và xây dựng câu chuyện tuyên truyền sao cho hiệu quả”.

Nhóm đối tượng tầm 50 - 60 tuổi là nhóm có nhu cầu lớn tham gia BHXH tự nguyện, nhưng đọc văn bản thì theo quy định sau 20 năm đóng mới có lương hưu, có thể họ sẽ nản. Do vậy, khi tuyên truyền, bà Chín phải vận dụng luật vào hoàn cảnh cụ thể. “Tôi gặp rất nhiều câu hỏi của các bác từ 50 - 60 tuổi mà chưa có chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước là nếu tham gia BHXH tự nguyện đến 60 tuổi, 70 tuổi mới có lương hưu, thì liệu có sống đến chừng đó mà hưởng? Và nhiều người băn khoăn nếu không may qua đời giữa quãng thời thời đó thì có được lấy lại tiền và có được hưởng gì khác không?

“Tôi đã khái quát mức thấp nhất theo chuẩn nghèo nông thôn thì tổng số tiền phải đóng khi tham gia BHXH tự nguyện khoảng 35 triệu đồng và mức lương hưu nhận được với đàn ông khoảng 450.000 đồng - 500.000 đồng/tháng và phụ nữ khoảng 500.000- 550.000 đồng/tháng. Đấy là khái quát tổng thể để họ dễ nhận thấy họ chi bao nhiêu và được hưởng bao nhiêu, nhưng quan trọng nhất là làm rõ với người lớn tuổi là đóng 5 năm đầu tiên nếu không may mất thì được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất”, bà Chín chia sẻ.

Khi người dân đã có ý định tham gia BHXH tự nguyện thì câu chuyện về mức đóng cũng cần tư vấn định hướng cụ thể. “Chúng tôi luôn được hỏi lấy tiền đâu mà đóng khi nhà làm nông? Nhưng với mức hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia BHXH tự nguyện như hiện nay thì mức đóng thấp nhất là 138.000 đồng/tháng, so với ngày công thợ xây khoảng 200.000 đồng/ngày, thì người dân hoàn toàn có thể tham gia. Do vậy, khi tuyên truyền, chúng tôi cũng đồng nghĩa định hướng cho họ tiết kiệm 5.000 đồng/ngày đi chợ hoặc mua lợn nhựa bỏ tiền tiết kiệm khi có mẻ cá, cua, lứa trứng… để đóng tiền BHXH tự nguyện sau này có lương hưu”, bà Chín kể.

Đưa chính sách vào cuộc sống

“Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh tại Yên Thành, đó là do triển khai Nghị quyết 28 và đổi mới trong cách tuyên truyền” bà Chín cho biết.

“Tôi bám theo giải pháp thứ 5 của Nghị quyết 28 là vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết 28 cái cách chính sách BHXH nói rõ việc điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu đã tháo nút thắt lớn cho BHXH tự nguyện, để người dân khi hết tuổi lao động không bị bỏ lại phía sau. Muốn làm được điều này cần có sự tham gia của người dân, hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không tham gia thì phải chờ đến 80 tuổi mới có chính sách trợ cấp người già. Từ những thành công này sẽ lan tỏa, tôi hy vọng sẽ đạt chỉ tiêu vào năm 2020 là có 4% lao động tham gia BHXH tự nguyện, tức là đạt khoảng 13.000 người. Riêng năm 2019 có khoảng 9.000 người tham gia BHXH tự nguyện với trung bình mỗi tháng khoảng 400 người tham gia”, bà Chín chia sẻ.

Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, chúng tôi yêu cầu tất cả các tổ chức đoàn thể cùng họp bàn, phân công công việc theo từng nhóm đối tượng để vận động. Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền thì cấp ủy, chính quyền cơ sở, đứng đầu là chủ tịch xã, phải có mặt, phát biểu định hướng tạo lòng tin về chính sách BHXH. Việc tham gia BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội lâu dài mà chính quyền cơ sở phải vào cuộc”.

Còn ông Lê Viết Thức, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An khẳng định: Thành công từ phát triển BHXH tự nguyện Yên Thành đang được tỉnh Nghệ An triển khai nhân rộng, đặc biệt là cách tuyên truyền gắn với đời thường để mọi người dễ hiểu và tạo niềm tin trong dân.

Câu chuyện phát triển BHXH tự nguyện tại Yên Thành là minh chứng ch việc Nghị quyết 28 đã được đưa vào cuộc sống. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng: BHXH tự nguyện đã hình thành và được quy định trong pháp luật từ năm 2008 nhưng đến nay mới đạt hơn 550.000 người tham gia. Đó là sự chậm trễ không phù hợp với tiềm năng của một đất nước có tới 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức.

“Từ tháng 1/2008 bắt đầu có quy định về BHXH tự nguyện cho đến hết năm 2017 mới được khoảng 250.000 người tham gia; nhưng từ 1/1/2018 đến nay, con số đó đã tăng gấp đôi khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Rõ ràng, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn rất nhỏ bé so với tiềm năng, cần nhiều giải pháp đẩy nhanh thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28 Trung ương để đến 2030, phả đảm bảo trên 5% tổng lực lượng lao động của xã hội tham gia BHXH tự nguyện và trên 50% người lao động tham gia BHXH và mục tiêu tiến tới BHXH toàn dân. Đó là mục tiêu rất cơ bản, bởi BHXH có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Ông Bùi Sỹ Lợi gợi ý: Để phát triển BHXH tự nguyện, phải tuyên truyền giải thích để người lao động chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy. Thay vì gửi tiền tiết kiệm, nên dành gửi vào quỹ BHXH, để khi về già có lương hưu. Tiếp theo, cần phải từng bước mở thêm các gói quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ để tăng thêm các gói quyền lợi như ốm đau, phụ nữ được hươngr thai sản, hoặc có con dưới 6 tuổi được hỗ trợ để nuôi con nhỏ… Đồng thời, có cơ chế thông thoáng dễ hiểu, công khai minh bạch.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Việc phát triển mạnh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 cho thấy các địa phương đã đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận dụng tốt Nghị quyết 28 vào đời sống. Số lượng người tham gia đạt trên 550.000 người, hoàn thành trước 2 năm so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28. Từ thành công bước đầu này, Bộ LĐ –TB &XH cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng công ty bưu điện Việt Nam đúc rút kinh nghiệm, xây dựng tài liệu tuyên truyền, đề chỉ tiêu kế hoạch cho từng địa phương, đơn vị để tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trong các năm tiếp theo.
Bài và ảnh: Xuân Cường – Tạ Nguyên
Mức đóng BHXH tối thiểu thay đổi như thế nào từ năm 2020?
Mức đóng BHXH tối thiểu thay đổi như thế nào từ năm 2020?

Bạn đọc hỏi: Công ty tôi đang tính toán thay đổi mức lương tối thiểu vùng từ năm 2020. Vậy mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN