'Năm cải cách hành chính' 2019 ở Nghệ An - Bài cuối: Cải cách hành chính từ ý thức mỗi cán bộ, công chức

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 và tỉnh Nghệ An xác định đột phá về cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển.

Để công tác cải cách hành chính có sự chuyển biến rõ rệt, đạt kết quả tốt, tỉnh Nghệ An đã, đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Cả hệ thống chính trị đều đăng ký những công trình, những việc làm cụ thể để cải tiến, đổi mới hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức dù ở vị trí nào đều nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Chú thích ảnh
Sở Giao thông vận tải là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Nghệ An triển khai áp dụng lấy số thứ tự tự động có hình ảnh tại bộ phận “Một cửa”. 

Đổi mới cung cách phục vụ

Qua kiểm tra cải cách hành chính của Sở Nội vụ mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Ngọc Tú cho rằng: Năm 2019, thành phố Vinh đã tăng cường một số biện pháp trong quản lý giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính như: Việc giao nhận hồ sơ giữa các đơn vị phối hợp nếu để xảy ra trễ thời hạn phải có văn bản giải trình kèm theo lời xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả; tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng đầu vào của hồ sơ thủ tục hành chính, giảm tỷ lệ hồ sơ trả bổ sung. Thành phố cũng triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của công dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với việc cung cấp dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công. 

“Tuy nhiên, điểm nghẽn của công tác cải cách hành chính là ở cán bộ thực hiện. Chất lượng, hiệu quả công việc bắt nguồn từ kỷ luật, kỷ cương hành chính. Vì vậy, nếu thực hiện tốt việc tạo nền nếp, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức thì việc phục vụ người dân sẽ tốt hơn. Thành phố cũng quyết tâm để khắc phục các tồn tại này”, ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND thành phố Vinh khẳng định.

Không chỉ bản thân công chức, viên chức phải đổi mới cung cách phục vụ mà trong quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, một số thủ tục hành chính hiện nay đang tạo ra rào cản khiến công tác giải quyết thủ tục hành chính bị đình trệ. “Địa bàn miền núi xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn khá rộng, đường sá đi lại khó khăn, khi người dân đến xã giải quyết công việc lại thiếu một số giấy tờ, nếu quay về thì thực sự rất tội người dân. Có những người phải đi lại qua rừng mất cả ngày trời, nhưng trong quy định thiếu thì phải bổ sung đầy đủ. Vì vậy, tôi nghĩ cơ quan chức năng có thể giảm đi một số thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, ông Lô Văn Liệu đề nghị.

Tương tự, bà Lê Thị Phương, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, kiến nghị: “Cấp chính quyền xác nhận chứng thực công chứng, nhưng khi đi giải quyết công việc thì cơ quan, tổ chức lại yêu cầu trình bằng gốc, giấy tờ gốc. Tôi nghĩ, bản photo công chứng đã đủ điều kiện cơ sở pháp lý chứng minh rồi nên những gì không cần thiết thì cắt giảm cho phù hợp với người dân”.

Chị Nguyễn Vinh Đông, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Biển Đông cho biết: “Mỗi năm doanh nghiệp chúng tôi phải tiếp ba, bốn đoàn kiểm tra liên ngành với nội dung làm việc tương tự nhau, rất ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng với cùng một nội dung thanh, kiểm tra thì hạn chế hơn và tinh gọn các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành để doanh nghiệp còn thời gian tập trung sản xuất kinh doanh”.

Những phản ánh của người dân và các cơ quan, đơn vị nói trên không phải là không có cơ sở. Trong quá trình kiểm tra, giám sát của đoàn liên ngành mới đây, tồn tại nổi lên là ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực vẫn có những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, nhiều thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết công việc dài. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ, công chức để xử lý công việc, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử... khiến người dân chưa hài lòng với đội ngũ cán bộ, công chức. Người cán bộ công chức tiếp xúc với người dân, phục vụ nhân dân, hướng dẫn, chỉ bảo nhân dân thực hiện cách thức, trình tự thủ tục chưa tốt nên người dân còn gặp khó khăn trong tiếp cận thủ tục hành chính.

“Mặc dù có kiểm tra công vụ, thanh tra, nhưng việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn chưa thực sự triệt để, tỉnh cần có chế tài mạnh hơn để đưa kỷ luật, kỷ cương hành chính đi vào nền nếp”, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Nghệ An Phạm Văn Lương cho biết.

Nỗ lực cải cách vì sự hài lòng của người dân

Không thể phủ nhận việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, các dịch vụ công đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu giải quyết công việc của nhân dân. Từ nỗ lực trên đã đưa các chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công), PARINDEX (chỉ số cải cách hành chính) của tỉnh Nghệ An năm 2018 đều tăng so với năm 2017.

Để đẩy mạnh cải cách hành chính những tháng cuối năm, tỉnh Nghệ An xác định, cả hệ thống chính trị tập trung cải cách hành chính để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu “phải cải cách thực sự chứ không phải cải cách trên giấy tờ”.

Thực hiện mục tiêu trên, Nghệ An đã và đang tập trung rà soát lại cơ chế chính sách, thể chế chồng chéo; nỗ lực giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc ở địa phương, không để trùng lặp, phiền hà. Những vấn đề thuộc trung ương, của ngành thì kiến nghị để tháo gỡ; đồng thời giao chỉ tiêu cho các ngành, các cấp trong việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Trong đó, các ngành, các cấp phải giảm từ 20-30% tổng thủ tục hành chính của đơn vị mình; kiểm tra, giám sát, chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công sở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ hành chính, từ đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao cần phát huy ý thức trách nhiệm, tích cực rà soát nhằm phát hiện những thủ tục, hồ sơ, giấy tờ trái quy định hoặc không cần thiết để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

“Cải cách hành chính trước hết phải từ ý thức của mỗi cán bộ, công chức. Chính sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo về kết quả cải cách hành chính. Muốn vậy, tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng và thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp ngành/huyện (DDCI), hướng đến việc tạo động lực cạnh tranh thực sự giữa các ngành, địa phương trong cải cách hành chính, đặc biệt là cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư. Đối với chỉ số PAPI và PARINDEX, tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án cải thiện chỉ số PARINDEX và chỉ số PAPI của tỉnh, đánh giá đầy đủ các tồn tại, yếu kém, phân tích sâu, khách quan các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao từng chỉ số thành phần. Tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đơn vị đảm nhận thực hiện các chỉ số thành phần; đề ra lộ trình tăng các chỉ số cụ thể theo từng năm để phấn đấu và chuẩn bị các nguồn lực thực hiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định.

Đối với việc xếp loại cuối năm, các sở, ngành, địa phương khi xét khen thưởng các tập thể, cá nhân, cần đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tập thể, cá nhân để xem xét, quyết định việc phân loại.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
'Năm cải cách hành chính' 2019 ở Nghệ An- Bài 2: Đột phá từ ứng dụng công nghệ thông tin
'Năm cải cách hành chính' 2019 ở Nghệ An- Bài 2: Đột phá từ ứng dụng công nghệ thông tin

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xác định là khâu đột phá, cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, tiến đến xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN