Theo đó, thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động để tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ. Trong quá trình này, Bộ đã giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Song nhiều nội dung cần được quan tâm, giải quyết ở cấp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính trong năm 2016. Ảnh: chinhphu.vn |
Nhận thức cải cách hành chính là mặt quan trọng để nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đối với các dịch vụ công của ngành, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao cải cách hành chính, đặt ra các tiêu chí cải cách cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, Bộ cũng áp dụng các biện pháp sao cho các thủ tục trở nên đơn giản nhưng phải công khai, minh bạch và hiện đại.
Trong thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm xây dựng một hình ảnh mới về quản lý hành chính nhà nước ngành công thương theo đúng tinh thần "Chính phủ phục vụ, Chính phủ kiến tạo".
Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28 trên tổng số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công (tương đương 447 thủ tục hành chính ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã).
Mặc dù số lượng dịch vụ/thủ tục hành chính không phải là nhiều so với số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công thương, nhưng Bộ vẫn luôn đề ra các mục tiêu cắt, giảm thủ tục hành chính hàng năm.
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.
Trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Công Thương còn giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cụ thể như: Ban hành, sửa đổi, bãi bỏ ngay những Thông tư do Bộ ban hành không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ cũng kiến nghị sửa đổi những quy định ở các văn bản cấp trên và quán triệt tinh thần phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính...
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập...
Đối với nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm thực hiện Chính phủ điện tử, từng bước kết nối với hệ thống xử lý văn bản điện tử (iMOIT) của các Bộ, ngành và các địa phương. Đặc biệt, Bộ còn tiến hành đưa vào sử dụng hệ thống quản lý nhiệm vụ (aMOIT) trong hoạt động nội bộ và nâng cấp các thủ tục hành chính của Bộ lên dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.