Muôn sắc hoa trong khu vườn thi đua yêu nước

Ngày 6/12, trời Thủ đô như chiều lòng người, quang đãng, hửng nắng, gió mùa đông bắc chỉ đủ để mỗi người cảm nhận mùa đông đã về. 7 giờ sáng, hàng đoàn người nối dài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua yêu nước suốt 5 năm qua (2011 - 2015) về đây báo công dâng Bác, hân hoan chia sẻ những cách làm hay, những việc làm tốt tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Là đơn vị đại diện cho toàn quân được lựa chọn báo cáo tại Đại hội, để gói hết được những khó khăn, vất vả, sự cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, cũng như những nỗ lực vươn lên trong việc làm chủ vũ khí, thiết bị hiện đại của cán bộ, chiến sỹ, khi mà thời lượng tham luận chỉ là 10 phút với hơn 3 trang giấy đối với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là không hề đơn giản. Đã có hàng trăm, ngàn bài viết về các anh nhưng có vẻ như không ngôn từ, giấy mực nào lột tả hết được những cống hiến, hy sinh đó. Trong một bài thơ đã được phổ nhạc của Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải (Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, nguyên Chính ủy Vùng 4) và trở thành bài hát truyền thống của con tàu HQ 996 kể từ chuyến đi biển trung tuần tháng 4/2011 có viết “Khi những con tàu vào khu neo tránh bão, thì tàu tôi lao ra biển khơi, có chuyến đi nào vất vả hơn thế…”.

Các đại biểu quân đội về dự Đại hội.

“Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội dành cho sự quan tâm đặc biệt, được sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng trong thế trận quốc phòng an ninh vững chắc trên biển; được nhân dân cả nước yêu thương, đùm bọc, luôn hướng về biển đảo, về Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đó có chúng tôi đang sống và chiến đấu. Trong tình hình mới, người chiến sĩ Hải quân luôn mài sắc ý chí chiến đấu, phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, của Quân chủng Hải quân Anh hùng, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân” - Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chia sẻ.

Lần đầu tiên được về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, ông Lý Phù Sinh (dân tộc Dao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) vui và hạnh phúc lắm. Ông là một tấm gương điển hình trong đồng bào dân tộc khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, là người đầu tiên đưa giống cây thảo quả, giống ngô hàng hóa, cây lạc về trồng ở thôn Lâm Sinh, cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm; giúp đỡ 40 hộ thoát nghèo, trong đó 10 hộ vươn lên làm giàu và cưu mang 4 trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

Cùng chung niềm vui với ông Lý Phù Sinh, ông Vàng Seo Hầu, dân tộc Mông bày tỏ niềm phấn khởi khi được về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Ông kể, trước đây, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong thôn Hóa Chéo Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt; ốm đau không có tiền chữa trị. Nhớ lại có lần đi tập huấn, nghe cán bộ tuyên truyền muốn thoát cái đói, cái nghèo là phải sinh đẻ có kế hoạch, có đất sản xuất, phải biết tiết kiệm trong chi tiêu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó gia đình ông tập trung vào lao động sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp với kinh doanh vận tải, đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Đại diện cho gần 4,5 triệu kiều bào trên thế giới về dự Đại hội thi đua yêu nước, bà Uyển Như Lụa (kiều bào tại Australia) xúc động cho biết đây sẽ là động lực để bà tiếp tục có nhiều việc làm ý nghĩa hơn cho quê hương, đất nước, đặc biệt là công việc hỗ trợ, ủng hộ xây trường học cho các học sinh mà bà đã và đang làm nhiều năm nay. Còn đối với Tiến sĩ Bùi Minh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, được chọn làm thành viên đại diện cho cộng đồng Việt Nam tại Hungary về dự Đại hội là niềm hạnh phúc. Ông có cơ hội gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm xây dựng cộng đồng với những người Việt tiêu biểu ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. “Đây là những hoạt động vô cùng bổ ích, là sợi dây gắn kết cộng đồng người Việt trên toàn thế giới” - ông Phong cho biết.

Xúc động, tự hào là tâm trạng của người nữ công nhân dệt may Đỗ Thị Thúy. Chị là công nhân bậc 6/6 (bậc cao nhất của công nhân công nghệ ngành Sợi), thuộc Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định. Là công nhân trực tiếp sản xuất, 25 năm qua, chị luôn rèn luyện cho mình thói quen trước mỗi ca sản xuất vào sớm 20 phút để chuẩn bị trang bị bảo hộ lao động, thực hiện quy trình giao nhận ca; tận dụng tối đa giờ sản xuất, trước giờ ăn cơm để kiểm tra và xử lý toàn bộ các máy. Thói quen này chị đã duy trì được nhiều năm và chị em trong tổ cũng hào hứng thực hiện theo, đó là nguyên nhân tổ máy Sợi con của chị luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng và là tổ có thu nhập cao của nhà máy.

Vinh dự là một trong những gương mặt trẻ đại diện cho giới học sinh tham dự Đại hội, Nguyễn Thế Hoàn (cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) đem đến Đại hội câu chuyện về quá trình học tập và phấn đấu rèn luyện của bản thân. Hành trình vượt khó để theo đuổi ước mơ của Hoàn khiến cho nhiều bạn trẻ hôm nay thấy ngoài sức tưởng tượng. Nguyễn Thế Hoàn tâm sự: sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuộc quê lúa Thái Bình, ngay từ bé, em đã cảm nhận được sự vất cả của ba mẹ. 

Ba em ngày đó làm công việc chuyển và bốc dỡ hàng hóa cho một doanh nghiệp nhỏ, mỗi buổi chiều muộn trở về nhà với những chiếc bánh mì nhỏ là khẩu phần bữa trưa ba ăn không hết, mang về làm quà cho hai anh em. Công việc nặng nhọc mà bữa trưa vẻn vẹn với những chiếc bánh mì ba cũng không ăn hết còn cố gắng giữ lại cho con. Hoàn không biết làm gì hơn để giúp đỡ ba mẹ, ngoài chuyện học hành.
Cuối năm cấp hai, em quyết tâm đăng kí dự thi vào khối chuyên Toán của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và ước mơ đã thành sự thật, em trúng tuyển lớp Toán 1 của trường. Ba năm cấp ba vất vả, Hoàn đã gặt hái được nhiều thành công, đó là những giải học sinh giỏi Quốc gia, rồi những tấm Huy chương Vàng tại kì thi Olimpic Toán quốc tế...

Các điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX như một vườn hoa đầy hương sắc, tỏa sáng tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, sáng ngời phẩm chất, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chu Thanh Vân
Phong trào thi đua yêu nước: Các kỳ đại hội
Phong trào thi đua yêu nước: Các kỳ đại hội

Ngày 6 và 7/12, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9, với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Dưới đây là đồ họa về các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước từ trước tới nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN