Khẳng định vai trò của việc tăng lương tối thiểu, tại buổi hội thảo “Tác động của việc tăng lương tối thiểu đến việc làm, tiền lương và chi tiêu của người lao động tại Việt Nam” tổ chức hôm qua (5/8), ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Điều chỉnh tiền lương không thể chỉ là bù trượt giá mà phải ngang bằng với giá trị sức lao động của người lao động bỏ ra. Nếu không, tiền lương không thể là động lực cho người lao động làm việc được.
Tăng để khuyến khích người lao động
Trong bối cảnh đã có đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/10/2011, vấn đề tác động của việc tăng lương tối thiểu tới đời sống người lao động đang thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan. Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, việc điều chỉnh lương tối thiểu mang lại nhiều tác động tích cực, nhất là trước thực tế giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng mạnh như hiện nay. Theo TS Nguyễn Việt Cường, Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương, việc tăng lương tối thiểu khuyến khích người lao động làm việc, tăng năng suất lao động, giảm số người hưởng trợ cấp xã hội, tăng tiêu dùng...
Tiền lương không ngang bằng với giá trị sức lao động thì không thể là động lực cho người lao động. |
Cần điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống cho lao động trong bối cảnh lạm phát cao là một yêu cầu thực tế đã được đặt ra từ khá lâu. Điều 56 Bộ luật Lao động hiện hành nêu rõ: “Khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo tiền lương thực tế”. Và từ nhiều năm qua, việc điều chỉnh lương tối thiểu đã liên tục được thực hiện. Trong một hội thảo về phương án điều chỉnh lương tối thiểu tổ chức tháng 7/2011, đại diện lãnh đạo Vụ Lao động- Tiền lương (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cũng khẳng định: “Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đã góp phần đảm bảo đời sống người lao động, không gây tăng đột biến chi phí của doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của nhà nước, việc phân vùng cơ bản phù hợp thực tế của địa phương”.
Tuy nhiên, trên thực tế tiền lương tối thiểu hiện nay không đáp ứng được nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Nếu theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu của năm nay, lương tối thiểu không đảm bảo bù trượt giá”. Theo ông Trần Văn Tự, Trưởng phòng Cơ chế chính sách (Ban Chính sách - Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), căn cứ xác định mức tiền lương tối thiểu là từ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế, xã hội, mức tiền công trên thị trường lao động. Mức tiền lương tối thiểu này khác nhau theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, những năm qua, việc xác định, điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu của người lao động chưa căn cứ vào nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Trước thực tế này, một lần nữa, nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc tăng lương tối thiểu, ông Đặng Như Lợi khẳng định: “Việc điều chỉnh tiền lương không chỉ có việc bù trượt giá mà phải trả tiền lương cho đúng giá trị của sức lao động bỏ ra. Nếu không, nó sẽ không thể là động lực cho người lao động làm việc nữa. Lương không thể là nguồn sống chính để người ta toàn tâm toàn ý với công việc”.
Cần lưu ý đến tác động trái chiều
Bên cạnh mặt tích cực, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh ảnh hưởng của việc tăng tiền lương tối thiểu tới việc làm và thu nhập của người lao động.
Việc tăng lương tối thiểu cũng có thể dẫn tới các tác động tiêu cực. TS Nguyễn Việt Cường cho rằng, một trong những ảnh hưởng đó là dẫn tới tình trạng thất nghiệp, đặc biệt trong nhóm lao động có thu nhập thấp. Vì tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, do vậy làm giảm cầu về lao động, dẫn đến người lao động có ít việc làm hơn.
Theo số liệu báo cáo của các trung tâm giới thiệu việc làm, tính đến ngày 20/5/2011, cả nước có 146.538 người đến đăng ký thất nghiệp. Có ý kiến lo ngại, nếu điều chỉnh lương lên cao như đề xuất, doanh nghiệp không làm ăn được có thể sa thải lượng lớn lao động nữa và tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng.
Tuy nhiên, theo TS Cường, nếu người lao động có khả năng đàm phán tiền lương, việc tăng lương tối thiểu sẽ hạn chế được tác động tiêu cực đến việc làm của họ. Mặt khác, việc tăng tiền lương tối thiểu có thể làm giảm khả năng có việc làm của người lao động trong khu vực chính thức nhưng những lao động này lại tìm được việc làm tại khu vực phi chính thức. Một số lao động trong khu vực chính thức tự chuyển sang khu vực phi chính thức để có thu nhập cao hơn. Do vậy, để tránh các tác động không mong muốn của việc tăng lương tối thiểu, hoạt động kinh tế của khu vực phi chính thức cũng cần nhận được sự quan tâm phù hợp. Như thế, lương tối thiểu sẽ đúng theo nghĩa là bảo vệ cho một số lao động khỏi việc phải nhận một mức lương thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu.
Mạnh Minh