Mưa lũ tại các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ

Ninh Thuận: Từ 30/10 đến 2/11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa to đến mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 350 đến 500 mm) gây lũ lụt lớn, làm 4 người mất tích và gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, hơn 4.700 hộ/18.824 khẩu ở vùng trũng thấp, vùng lũ quét đã được khẩn trương di dời đến nơi an toàn; các đơn vị bộ đội, công an đã cứu hộ hàng trăm người dân bị cô lập giữa vùng nước lũ. Nước lũ làm trôi vai đường sắt phía hạ lưu (sâu 0,5 m, rộng 0,8 m) tại km 1382+500 - km 1383+600, khiến nhiều đoàn tàu không thể lưu thông. Trên tuyến đê sông Dinh (dài hơn 10 km), nước lũ tràn qua nhiều vị trí.

Theo thống kê, đến trưa 2/11, nước lụt đã làm ngập hơn 1.100 ngôi nhà, làm 82 nhà bị sập, đổ, hư hỏng, 2 ngôi nhà và 3 phòng học tốc mái; 4 người dân bị trôi và mất tích (3 người ở huyện Ninh Phước và 1 người ở huyện Bác Ái). Hơn 10.200 ha cây trồng bị ngập; hơn 660 con gia súc, 6.500 con gia cầm bị chết và bị lũ cuốn trôi; 9 chiếc thuyền bị chìm, gần 70 ha ao nuôi tôm, cá bị ngập tràn bờ.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã liên tục thông báo lũ khẩn cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra tại các vùng trũng thấp, ven sông suối; triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, tổ chức cứu hộ tại chỗ; tiến hành gia cố đê sông Dinh; triển khai di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân trong thời gian tránh lũ; tổ chức dọn vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh.

lPhú Yên: Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, nếu lúc 8 giờ sáng 2/11, tổng lưu lượng xả lũ của 3 nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng là 5.200 m3/giây thì đến 15 giờ chiều cùng ngày, tổng lưu lượng xả lũ đã tăng lên 7.500 m3/giây; làm cho mực nước các sông lên nhanh và hiện đang xấp xỉ mức báo động cấp 2 và cấp 3. Dự báo mực nước sông tiếp tục lên, có lũ ở mức báo động cấp 3, có sông trên báo động cấp 3.

Hiện chưa thống kê chính thức nhưng quan sát của phóng viên TTXVN tại một số vùng dân cư, đồng ruộng và các sông nằm trong hạ lưu sông Ba cho thấy nước đang dâng và có khả năng sẽ ngập nhà dân. Riêng tại hai thôn Phước Khánh và Qui Hậu thuộc xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) có ít nhất 70 nhà dân chắc chắn sẽ bị ngập vì nằm ở vùng trũng và sát ruộng, hiện nước đã vào tận ngõ, hầu hết các đường làng đã bị ngập.

Tại hai thôn Mỹ Thành và Ngọc Lâm thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa có khoảng 400 nhà dân đang bị ngập cục bộ. Phó Chủ tịch UBND xã ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Nước lũ tiếp tục dâng nhanh và khả năng sẽ gây lụt lớn tại các địa bàn trũng thấp, gần sông suối nếu các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ và mưa lớn ở thượng nguồn. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ người và phương tiện cứu hộ sẵn sàng di dời dân và ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu”.

Thống kê cho biết, có 4 người chết do lũ, gồm: Ông Phạm Đình Cư (55 tuổi) ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, cháu Lê Thị Thanh Thủy (13 tuổi) ở thôn Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, 2 bố con ông Đặng Hồng Kỳ (50 tuổi) và Đặng Thị Mai (24 tuổi) ở xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đông Xuân. Thi thể em Mai và cháu Thủy vẫn chưa tìm được.

Khánh Hòa: Đến chiều 2/11, trên đại lộ Nguyễn Tất Thành từ thành phố Nha Trang đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (thị xã Cam Ranh), dài 40 km đã bị ách tắc hoàn toàn, bởi liên tục xảy ra hàng chục điểm sạt lở trên đoạn đèo Cù Hin kể từ đêm 1/11. Trong đó có 4 điểm sạt lở lớn tại km 11 đến 14 + 800, với khối lượng đất đá tràn ra mặt đường ước tính trên 3.000 m3. Ngay sau khi xảy ra tình trạng này, ngành giao thông tỉnh Khánh Hòa đã điều động 15 phương tiện cơ giới cùng nhiều công nhân đến khắc phục sự cố, tuy nhiên vẫn chưa xác định được thời điểm có thể thông tuyến.

Ngập lụt ở thành phố Nha Trang từ 0,5 đến trên 1 m.

Ông Lương Văn Thảnh - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cho biết: Do mưa to và tuyến đường này bị ách tắc, nên trong ngày 2/11 sân bay đã phải hủy hầu hết các chuyến bay đến và đi từ cảng này.

Tại tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng (từ Nha Trang đi Lâm Đồng) cũng xảy ra tình trạng sạt lở trong mấy ngày qua tại nhiều điểm, nên cũng bị ách tắc. Trên tuyến tỉnh lộ 9 (thị xã Cam Ranh - huyện miền núi Khánh Sơn), ngành giao thông đã tiến hành thu dọn đất đá sạt lở phía đông đèo, tuy nhiên mưa vẫn còn lớn, rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.

Đến ngày 2/11, trước tình trạng mưa lớn kéo dài liên tục suốt 4 ngày qua, gây nhiều đợt lũ, tỉnh Khánh Hòa đã phải mở cửa xả lũ của 5 hồ chứa nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, 3 hồ chứa nước khác có dung tích nhỏ, nước lũ đã vượt trên mức nước dâng bình thường nên nước tràn qua tự do. 8 hồ nói trên có tổng dung tích chứa trên 120 triệu m3.

Đắk Lắk: Từ ngày 30/10 đến nay, Đắk Lắk đã có mưa to trên diện rộng. Các huyện phía đông và đông - nam tỉnh đã có mưa lớn kéo dài. Tại M’Đrắk, lượng mưa lên tới 247 mm, Ea Kar 147 mm, Krông Bông 143 mm... Mực nước các sông suối trên địa bàn Đắk Lắk đang lên rất nhanh.

Tại huyện M’Đrắk, nhiều tuyến tỉnh lộ và đường vào các xã: Cư San, Cư Pao, Krông Á bị nước lũ cắt đứt, nhiều đoạn ngập trên 1 m; nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở nặng. Huyện M’Đrắk đã phải khẩn cấp sơ tán 30 hộ dân buôn Lênh, xã Krông Jin đến nơi an toàn. Tại huyện các huyện Ea Kar và Krông Bông, nhiều tuyến đường liên xã cũng đã bị ngập sâu, không thể đi lại. Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng ước đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hàng trăm ha lúa, hoa màu và hàng trăm nhà dân bị ngập nước. Hiện tại trời vẫn đang tiếp tục mưa, nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút xuống.

TTN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN