Với phương châm an toàn của người dân là trên hết, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các đoàn thể xã hội và nhân dân tích cực đoàn kết, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, khẩn trương ổn định đời sống của người dân.
An toàn của người dân là trên hết
Chiều 9/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão số 3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do bão số 3.
Trước tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; yêu cầu Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố, tập trung công tác cứu nạn, cứu hộ đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Làm việc tại tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu địa phương dùng mọi phương tiện để tìm kiếm người bị nạn, nhưng phải đảm bảo an toàn. Nếu thiếu phương tiện cứu hộ, tỉnh đề xuất với với Thủ tướng Chính phủ để được cấp. Trong khi chờ sửa chữa cầu, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội cùng các ngành chức năng làm cầu phao bắc qua sông để thuận lợi cho người dân đi lại; đồng thời tỉnh cũng khẩn trương lập phương án, trình Thủ tướng để nhanh chóng sửa chữa cầu.
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có Công điện số 3923/CĐ-TM gửi các đơn vị về việc tập trung khắc phục hậu quả sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ do mưa, lũ gây ra.
Bộ Y tế có Công điện số 1116/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung yêu cầu cần tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân, người bệnh không được khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; tổ chức vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, an toàn thực phẩm.
Ngày 9/9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu bằng tiền và hàng trị giá hơn 720 triệu đồng, trợ giúp khoảng 900 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; trong đó, hỗ trợ thành phố Hải Phòng 250 triệu đồng và 250 thùng hàng gia đình; hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh 200 triệu đồng và 200 thùng hàng gia đình.
Tại địa phương, lãnh đạo các cấp chính quyền đã trực tiếp xuống hiện trường, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ. Tỉnh Tuyên Quang khẩn trương di dời 348 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tỉnh Yên Bái di dời 62 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp do Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã xả lũ; tỉnh Thái Nguyên di dời 600 hộ dân…
Mưa lũ diễn biến rất phức tạp
Nhận định về tình hình mưa lớn và lũ tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong đêm 9 và 10/9, hầu hết khu vực các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa trên diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất; đặc biệt là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Lai Châu. Các sông nhỏ ở miền núi phía Bắc đang ở mức báo động 2, báo động 3, mức rất cao; trong đêm 9/9, lũ trên các sông sẽ tiếp tục lên.
Ông Hoàng Văn Đại khuyến cáo rất nhiều khu vực có thể bị ngập lụt trên diện rộng, người dân cần đặc biệt tuân theo chỉ đạo của các cơ quan phòng, chống thiên tai và chính quyền địa phương để đảm bảo công tác di dân cũng như công tác phòng, chống được hiệu quả.
Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đề nghị các địa phương vùng đồng bằng, ven biển cần triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hạ du hệ thống sông Hồng; tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh...
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, các địa phương tập trung sơ tán người dân tại khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông...
Cũng theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, đến 17 giờ ngày 9/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 49 người chết, 22 người mất tích (trong đó do bão 12 người; sạt lở đất, lũ quét 53 người; do lũ cuốn 6 người), 732 người bị thương.
Đặc biệt, tại Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết. Khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9/9, cầu Phong Châu tại km18+300 Quốc lộ 32C (nối hai huyện Tam Nông - Lâm Thao) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông). Nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn; chưa xác định cụ thể số người bị mất tích. Theo báo cáo của tỉnh Phú Thọ, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện gặp nạn (gồm 1 xe tải, 2 xe đầu kéo, 6 xe máy, 1 xe máy điện); 8 người mất tích.
Bão số 3, mưa lũ đã gây nhiều ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp với 136.228 ha lúa, 26.252 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An...); trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 125 con gia súc, 544.815 con gia cầm bị chết. Ảnh hưởng của bão cũng đã làm 46.548 nhà ở bị hư hỏng (tập trung tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn...), nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…