Do chủ động trong công tác ứng phó nên đến thời điểm này, tỉnh Đắk Nông không có thiệt hại về người, gia súc, gia cầm.
Diện tích ngô của người dân xã Đắk D'rô bị ngập do nước lũ dâng. Ảnh: baodaknong.org.vn |
Diện tích lúa màu bị ngập chủ yếu tập trung ở huyện Krông Nô, nằm ven bờ sông Krông Nô đã được Công ty Thủy điện và chính quyền khuyến cáo không nên gieo trồng. Trong đó, diện tích bị ngập nhiều nhất ở xã Đức Xuyên với 146 ha, xã Đắk Nang khoảng 65 ha, xã Đắk D’rô 55ha…
Mưa lũ cũng làm ngập 7 ngôi nhà khu vực trũng, thấp thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên bị ngập sâu 1 – 1,5m và một ngôi nhà khác ở xã Đắk Nang có nguy cơ bị cuốn trôi. Những hộ gia đình bị ngập và có nguy cơ sạt lở đã được chính quyền địa phương di chuyển lên nơi an toàn.
Theo lãnh đạo Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hiện tại các hồ thủy lợi vẫn ở mức an toàn. Còn theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuôp, đơn vị chủ đầu tư Thủy điện Buôn Tua Srah, đến thời điểm này, mực nước ở hồ Thủy điện Buôn Tua Srah đã vượt quá cao trình. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự báo lũ, theo dõi lưu lượng nước về hồ chứa nên công ty cũng chỉ xả nước ở mức độ vừa phải để tránh việc lũ lên đột ngột ở vùng hạ du.
“7 giờ 30 phút ngày 4/11, hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah bắt đầu vận hành điều tiết xả nước, cùng với chạy máy phát điện, tổng lưu lượng nước xả là 374 m3/s. Đến 16 giờ cùng ngày, tiếp tục xả với tổng lưu lượng nước là 474m3/s. Đến 8 giờ ngày 5/11 lưu lượng xả tăng thêm 54m3/s, tổng lưu lượng xả là 532m3/s. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, thông báo đến người dân trước đó khoảng gần 1 tuần để bà con chủ động ứng phó” - ông Triết cho biết.
Ngày 5/11, đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại một số xã của huyện Krông Nô, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống lụt bão. Đồng thời yêu cầu chính quyền huyện, các xã ven sông tổ chức trực ban 24/24 giờ huy động lực lượng Công an và Xã đội ứng trực 100% quân số, chuẩn bị các phương tiện như: ca nô, xuồng máy và thông báo cho người dân biết để chuẩn bị ứng phó khi có tình huống xảy ra. Tuyên truyền cho người dân về tình hình thời tiết, thời gian xả lũ của thủy điện, khuyến cáo không vượt sông suối đi làm rẫy, đánh cá...