Trước đó, đầu tháng 11/2018, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam phát hiện một tin đăng rao bán hai cá thể cầy vằn trên mạng xã hội Facebook. Sau đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam đã làm việc với Cảnh sát Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hạt Kiểm lâm thành phố Vũng Tàu để tiến hành điều tra, giải quyết sự việc.
Đối tượng tên là Bùi Duy K (sinh năm 1993) đã mua hai cá thể cầy vằn khi chúng còn nhỏ vào năm 2016 và nuôi làm cảnh. Sau đó, do không có khả năng tiếp tục chăm sóc hai cá thể này, K đã đăng tin rao bán trên mạng. Cơ quan chức năng đã tịch thu hai cá thể, chuyển giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã ngày 6/12, đồng thời xử lý hành chính đối tượng vi phạm.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Vũng Tàu Lê Mạnh Hùng cho biết, cầy vằn là loại động vật quý hiếm tại Việt Nam cũng như trên thế giới; không có nhiều ghi nhận về loài vật này ngoài tự nhiên trong những năm gần đây. Lực lượng chức năng cứu được hai cá thể này và vận chuyển qua hơn 1.700 km đường bộ giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) - nơi có điều kiện chăm sóc chúng tốt nhất để phục vụ mục đích bảo tồn loài.
Anh Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu, hai cá thể khá gầy nhưng tình trạng sức khỏe tương đối ổn định, không có vết thương. Trung tâm sẽ chăm sóc trong khu kiểm dịch ít nhất 30 ngày để phục hồi sức khỏe, trước khi chuyển vào khu nuôi bán hoang dã dành cho cầy vằn để phục hồi bản năng”.
Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm mục đích ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các quần thể động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam. Trung tâm phối kết hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương và Vườn Quốc gia Pù Mát để tiến hành các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã từ buôn bán trái phép và tái thả về môi trường sống phù hợp.