Khi các sản phẩm công nghệ cao trở thành món hàng “hot” của người tiêu dùng thì chất lượng sản phẩm đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Các chiêu thức “luộc”, đánh tráo linh kiện khiến người tiêu dùng nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ dàng sập bẫy.
Những kiểu “luộc” Iphone
Xu hướng sính điện thoại hàng hiệu, mẫu mã thời trang đang ngày càng lan rộng trong cộng đồng công nghệ. Nhiều cửa hàng, mối lái, dân “yêu khoa học” (tay ngang mới vào nghề buôn bán, sửa chữa điện thoại) nở rộ để “mua của người chán, bán cho người cần”. Tuy nhiên, phần lớn điện thoại rao bán trên mạng thường là dân tay ngang nhiều hơn, tập trung chủ yếu ở các quán cà phê như Hi-end và Piano (đường Hồ Xuân Hương)... P.Đức- một tay ngang mua, bán hàng công nghệ trên mạng, “ngồi đồng” ở các quán này, cho biết anh cũng thường xuyên ngồi đây để cùng trao đổi, mua bán hàng công nghệ, từ điện thoại các loại như Iphone, Blackbery, HTC, Sam sung,... đến laptop, ổ cứng HDD... Trong đó, mặt hàng điện thoại Iphone, Blackberry, Macbook... là được dân công nghệ ưa chuộng nhất và dễ bán nhất.
Các mặt hàng Iphone, Blackberry được dân công nghệ ưa chuộng nhất vì dễ bán nhất. |
Biết tôi có ý định mua con Iphone 4 mới, người bạn của tôi liền ra sức can ngăn: “Đừng mua mới! Hàng mới bây giờ không như mấy năm về trước, dễ mua hàng “dựng” lắm. Cứ mua Iphone 4 cũ cho chắc ăn, giá vừa phải, lại không lo bị lừa...”. Theo chân P.Đức vào quán cà phê Piano mới thấy được quang cảnh buôn hàng công nghệ. Chỉ chiếm một góc khiêm tốn của quán, nhưng mỗi người đều độc chiếm một bàn với con macbook luôn online. Nam - cũng là một trong những tay buôn hàng công nghệ tay ngang ngồi bàn bên cửa sổ đang loay hoay kiểm tra con Iphone 3Gs với vô số đồ nghề. Đức sang bên chào hỏi, xem thử có món hàng nào “ngon” không. Nam khoát tay bảo, chẳng có gì, hàng bị hỏng màn hình, kiểm tra xem thế nào. Sau vài phút tháo ra, thay mới màn hình, con Iphone 3Gs lại trở nên “ngon lành”, độ cảm ứng vẫn lướt mượt mà như chưa có chuyện gì xảy ra. Độ nửa tiếng sau có người đến xem hàng, ngã giá và con Iphone vừa mới sửa chữa đã được bán với giá 6 triệu đồng. Nam cho hay: “Lời 500 ngàn đồng, coi như hôm nay làm ăn được”.
Theo Đức, “luộc” hàng giờ đây không còn nhiều như trước, phần lớn là “dựng” lại hàng cho mới hơn, bán được giá hơn. Chính vì vậy, dù những hàng điện thoại, laptop cũ bị hư hỏng phần cứng như bàn phím, màn hình, mainboard... vẫn được các mối lái thu mua. Nếu chỉ hư hỏng nhỏ có thể thay thế, bán như hàng còn “zin”. Nhưng với những hàng bị tổn hại nặng, mối lái mua “xác” để làm phụ tùng thay thế cho các món hàng khác tương đương.
Đức giải thích, điện thoại Iphone bây giờ muôn hình vạn trạng, mua mới chưa chắc gì đã tốt. Trong khi đó, hàng nhập về chính hãng của các công ty như Viettel, Vinaphone, Mobiphone như “muối bỏ bể”, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Phần lớn còn lại chủ yếu là hàng xách tay. Năm 2010, hàng Iphone xách tay về còn có thể tạm tin tưởng bởi không bị cửa xuất nhập khẩu của Hải quan làm khó như bây giờ. Vì vậy, những điện thoại về thời điểm đó hầu như hàng “zin”, nguyên hộp, nguyên sêri, trùng imei “zin”. Còn bây giờ, hàng xách tay về, muốn qua cửa ải trên buộc phải tháo hộp. Chính vì vậy, những ai mua máy trong thời điểm này gần như là chơi trò hên xui. Nếu đúng hàng tốt thì không có gì phàn nàn, nhưng gặp hàng xài rồi, vẫn gọi là mới 100% thì cũng không thể biết được. Ngay cả các cửa hàng tạm gọi là uy tín tại TP.HCM như Râu Vàng, Hnammobile... cũng khó đạt sự tin tưởng tuyệt đối khi mua hàng không chính hãng. Do đó, xu hướng của những người mua điện thoại xách tay bây giờ chủ yếu tìm hiểu trên mạng trước, đọ giá, đọ chất lượng rồi mới quyết định mua.
Yến Minh – một trong những khách hàng tại Râu Vàng, cho biết: “Cách đây 2 năm tôi đã từng chứng kiến một vị khách hàng mua nhầm hàng đã xài rồi của một cửa hàng. Lúc đó, người khách sau khi giao tiền, nhận hàng nhưng không gỡ bao bì, khui hộp kiểm tra ngay tại chỗ mà đem về nhà. Chưa đầy 10 phút sau, vị khách hàng ấy đã quay lại cửa hàng, không ngừng la mắng nhân viên không trung thực, bán điện thoại đã dùng rồi”. Chiếc Iphone 3Gs mà vị khách đem trả đã được khởi động trước đó. Nếu đúng hàng mới, chưa bóc tem, khui hộp thì điện thoại chưa được khởi động hay cài đặt bất cứ thứ gì...
Buôn hàng cũng lắm “gian truân”
Thông thường, những điện thoại được mua đi bán lại phải có một lỗi nhỏ nào đó, khiến người sử dụng không ưng ý nên bán lại. Phần lớn, những lỗi này đều do người sử dụng gây ra, ít khi do lỗi của phần cứng. Hoặc đôi khi do không thích mẫu mã cũ, bán đổi chênh lệch để lấy mẫu khác hay hơn. Chỉ cần chỉnh sửa phần mềm, “mông má” một chút hình thức, có thể bán sang tay lời vài trăm ngàn đồng. Với những điện thoại bị lỗi phần cứng, mối lái chỉ cần thay đồ lại là như hàng còn “zin”. Tuy nhiên, với những điện thoại này, người bán chắc chắn bị ép giá bán rẻ. Vì thế, những tay buôn điện thoại dù phải mất tiền mua phụ tùng thay thế, nhưng vẫn bán được giá.
Thế nhưng, vài tháng nay, dân buôn điện thoại khi đụng đến Iphone đã bắt đầu ngán ngẩm. P.Đức lo lắng: “Đang nắm trong tay vài con Iphone 4, thế nhưng mối lái cứ xem xong lại trả về. Khách mua xong cũng trả lại nốt, thậm chí chịu thiệt một đến hai trăm ngàn đồng”. Theo P.Đức, có thể đợt hàng năm 2011 này hầu như bị lỗi. Do đó, lắm kẻ lỡ mua Iphone 4 unlock hầu như đều bán tháo. Ai xài ổn định rồi thì không sao, nhưng những kẻ mới xài Iphone, tọc mạch tìm hiểu thế nào cũng bị lỗi phần mềm, thậm chí hỏng luôn phần cứng. Tuyến – một trong những tay lão luyện hack Iphone cũng phải thốt lên: “Ngán Iphone lắm rồi, ngày càng khó hiểu lỗi của phần mềm”. Chính vì thế, những tay buôn điện thoại đôi lúc phải mua đắt bán rẻ.
P.Đức cho hay, vừa rồi anh mua lại 1 chiếc Iphone 3Gs 8G, sản xuất năm 2010. Lúc xài thử chẳng bị gì, nhưng khi bán cho khách, hai ngày sau khách trả về vì máy không còn hoạt động. Ban đầu anh cứ tưởng bị lỗi phần mềm, ai ngờ do khách không biết xài Iphone, tọc mạch phần mềm thế nào bị hỏng luôn phần cứng, cháy cả mainboard. Muốn Iphone “sống” lại, chỉ còn cách phải mua mainboard khác thay vào, coi như lỗ hơn 1 triệu đồng nếu bán lại.
Không chỉ trường hợp của P.Đức, những dân buôn bán hàng công nghệ cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười. Phương – một trong nhóm bán hàng công nghệ online chuyên ngồi đồng ở quán Hi-end không khỏi rầu rĩ khi chiếc Macbook mua lại gần 20 triệu, nhưng bán lại lỗ vài triệu đồng. Theo Phương, do máy có bị lỗi màn hình nên mới gỡ ra xem thế nào. Ai ngờ, vừa lấy vít lẩy nhẹ màn hình, màn hình đã bị vỡ đôi. Để thay màn hình mới, Phương phải đặt hàng chính hãng bên Mỹ, giá lên đến vài trăm USD. Nếu thay được màn hình rồi, cũng không thể bán được giá như hàng mới. Đó là với trường hợp bị hỏng, còn trường hợp khác tưởng mua Macbook air được giá, nhưng cuối cùng hóa ra mua đắt vì hàng mới giá tương đương. Nguyên nhân chỉ vì anh không kịp cập nhật tin tức, chỉ một phút sau mua bán, một con Macbook air thế hệ thứ 2 ra đời, đánh bật dòng cũ hạ giá đến vài triệu đồng. Chính vì mua hàng cũ bằng giá mua hàng mới, anh đành vội vàng “đẩy” đi với giá thấp hơn giá mua lại đến vài trăm ngàn đồng.
Hầu như những tay buôn hàng công nghệ bị lỗ vốn đều nằm trong trường hợp bất khả kháng. Một phần do ảnh hưởng giá thị trường chung, phần khác là do táy máy, hoặc lỡ tay làm hỏng món đồ khi đang sửa chữa. Nhưng đau nhất có thể kể đến là trường hợp của một anh bạn trong nhóm khi mua phải hàng “ho lao” (hàng ăn cắp) mà không biết. Sau khi mua Ipad 2 của một người quen - chuyên “săn” hàng từ các cửa hàng để lại, do không được dặn dò trước nên đã rao bán trên mạng. Chẳng may, người mất máy vẫn giữ được số seri, emei Ipad2 bị mất. Vì thế, thật không khó để phát hiện Ipad2 bị đánh cắp đang được rao bán. Chỉ cần đóng vai người mua, báo công an, người bán đã bị bắt vì tiêu thụ hàng ăn cắp. Cũng may, sau khi điều tra, anh chàng kia cũng được thả ra. Tuy nhiên, những món hàng khác đem theo khi đi giao dịch đều bị tịch thu hết.
Theo những tay buôn hàng công nghệ, đây là bài học đắt giá nhất, cần phải rút kinh nghiệm trước khi mua lại hàng.
Bài và ảnh: Hải Yên – Sĩ Dũng