Xả thải ra môi trường tại Nhà máy sản xuất phốt pho 5 - Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai). |
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã thực sự “nóng” tại nhiều cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, hội đồng nhân dân huyện và thậm chí trong các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn của Đại biểu quốc hội trong những năm qua. Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã phải nhấn mạnh, việc ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã thực sự trở thành vấn đề “nhức nhối” đối với người dân và các cấp chính quyền địa phương.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề trên nhưng xem ra những cố gắng của chính quyền địa phương và các ngành chức năng vẫn chưa thực sự đem lại nhiều hiệu quả. Hàng ngày người dân tại khu vực này vẫn phải sống với khói, bụi, ô nhiễm nguồn nước và có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đến thời điểm này chưa có một con số thống kê đầy đủ về những người bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp nhưng đã không ít người dân tại khu vực này phải nhập viện vì những bệnh lý bất thường. Nhiều gia đình đã phải bất đắc dĩ bán đi ruộng đất của cha ông để chuyển gia đình đi định cư ở vùng đất mới.
Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có diện tích mặt bằng khoảng 1.100ha với 28 dự án đăng ký đầu tư và đã có gần 20 nhà máy đi vào hoạt động. Trong đó, tập trung với một số nhà máy có công suất hoạt động lớn như: Nhà máy tuyển quặng A- pa- tít công suất 950.000 tấn/năm, 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng có công xuất 44.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất DAP…
Bước chân vào phạm vi của khu công nghiệp điều rất dễ nhận biết là khói, bụi và đặc biệt là những mùi lạ khi hít phải cảm thấy khó thở, thậm chí có thể ho sặc sụa ngay. Những cột khói trắng, đen, vàng (phốt pho thoát ra) và nước suối có lúc chuyển màu xanh, đỏ… đã làm môi trường tại Khu công nghiệp sản xuất hóa chất này “sạch” đến kinh ngạc. Theo một số hộ dân thì từ nhiều năm nay Khu công nghiệp Tằng Loỏng vẫn còn nhiều cây xanh, phượng, bằng lăng vẫn nở khi hè đến nhưng tuyệt nhiên không còn tiếng ve kêu và rất hiếm nhìn thấy chim chóc tự nhiên bay ở khu vực này. Không biết các sinh vật này do không thể tồn tại được ở môi trường “đặc biệt” hay đã bị tuyệt chủng ở nơi không khí có lẫn quá nhiều hóa chất độc hại. Còn dưới suối thì theo những người dân cũng đã từ lâu họ không còn nhìn thấy loại cá nào bơi dưới đó, mặc dù vào ban ngày, nhìn bằng mắt thường cũng không có vẻ gì là ô nhiễm. Tuy nhiên, người dân ở đây cũng không dám rửa chân tay ở suối vì nước ở đây có mùi lạ, khá nhớt, rửa chân tay là mẩn ngứa và dị ứng hết cả người.
Chị Đinh Thị Là, một chủ quán nước ở ngay ngã ba thị trấn Tằng Loỏng cho biết, vào dịp hè do lượng xe chở hóa chất, quặng đi vào khu vực này nhiều cộng với khói bụi từ các nhà máy thải ra khiến cho không khí ở đây có lúc như đặc quánh rất khó thở. Nhiều hôm trời mưa, độ ẩm trong không khí cao còn ngửi thấy mùi tanh nồng nặc rất khó chịu nhưng người dân vẫn phải cam chịu, không biết kêu ai. Ngoài ra, tình trạng lưu huỳnh rơi vãi đầy đường cũng góp phần không nhỏ làm môi trường ở đây ô nhiễm hơn.
Còn theo những người dân ở tổ dân phố số 7, thị trấn Tằng Loỏng thì từ khi các nhà máy đi vào hoạt động, do ảnh hưởng của khói, bụi các gia đình ở đây không thể nuôi trồng được bất cứ một thứ gì, cây cối, hoa màu cứ cháy dần, táp hết lá rồi chết. Nguồn nước bị ô nhiễm, cá nuôi dưới ao lứa này đến lứa khác cứ chết dần, chết mòn. Những dòng suối trong, mát ngày nào giờ đều bị nhiễm hóa chất, trâu bò, gia súc uống nước suối sau đó cứ chết dần. Lãnh đạo Công ty cổ phần DAP số 2 tại khu công nghiệp cũng đã thẳng thắn cho người dân biết sống quanh khu vực nhà máy sẽ bị ô nhiễm nặng vì theo quy định những Nhà máy sản xuất DAP phải xây dựng cách xa khu vực dân cư 1.000 m (tính từ tường rào). Tuy nhiên hiện nay, có nhiều hộ dân chỉ sống cách Nhà máy sản xuất DAP số 2 - Vinachem có một hai trăm mét. Các hộ dân cũng đã làm rất nhiều đơn, thư gửi các cấp có thẩm quyền nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng vẫn là chuyện “Khổ lắm biết rồi, cứ nói mãi”.
Ông Đào Xuân Tùng, tổ trưởng tổ dân phố số 1, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng cho biết thêm: “Trong các buổi họp tổ dân phố nhiều hộ dân nơi đây phản ánh về tình trạng nước suối có màu, mùi nồng. Nhất là những hôm trời mưa xong khí thải rất khó thở, ho liên tục. Các nhà máy lợi dụng ban đêm ngang nhiên xả thải trộm ra môi trường, có hôm sáng sớm màu nước suối có màu đỏ, màu vàng nhạt, nhân dân không dám đưa nước vào ruộng hay tưới hoa màu. Điển hình hôm 22/5 vừa qua (ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp), toàn bộ khu phố bao phủ một lớp khói dày đặc như sương có mùi nồng, cay cay chừng hơn 10 phút dẫn tới ho, khó thở mà không biết từ đâu xuất hiện.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, phó Trưởng Ban quản lý khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, trước mắt để đảm bảo sức khỏe cho người dân, tỉnh Lào Cai đã đưa được 69 hộ dân nằm trong vành đai có nguy cơ ô nhiễm cao đã di chuyển ra khu tái định cư. Ngoài ra, địa phương này cũng đang tiếp tục xây dựng kế hoạch và tìm nguồn kinh phí để di chuyển tiếp 600 hộ dân trong vành đai ảnh hưởng ô nhiễm môi trường ra khu Thị trấn Phố Lu, cách ly hoàn toàn khỏi khu vực ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Úy, Phó Chủ tịch huyện Bảo Thắng, việc này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần chưa tìm được nguồn kinh phí di dân ra khỏi khu vực ô nhiễm, một phần do người dân đã ở lâu đời, nguồn sống chính từ canh tác nông nghiệp và không muốn di chuyển khỏi mảnh đất cha ông để lại để ra các khu tái định cư.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai cũng đã quy hoạch 3 khu xử lý nước thải; trong đó có một khu xử lý nước thải với công suất 3000 m3/ ngày đêm thu gom và xử lý lại tất cả nước thải tại các nhà máy trong khu vực Tằng Loỏng. Tuy nhiên, tại khu vực xây dựng nhà thu gom nước thải khi chúng tôi đến vẫn ngổn ngang như một “bãi chiến trường” và cũng chưa biết bao giờ công trình này mới hoàn thành, đưa vào hoạt động.