Mỗi năm, trên 500 người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD do thiên tai

Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1-1,5% GDP).

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” do Bộ NN&PTTN phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức sáng nay (3/10), tại Hà Nội.

Thông tin yếu kém, người dân còn chủ quan

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.

Cụ thể, trong năm 2016, thiên tai đã gây thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, thiệt hại do thiên tai cũng xấp xỉ 50% của năm 2016. Tính chung trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1-1,5% GDP).

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng các đề án, dự án nhằm phóng chống thiên tai hiệu quả… Tính đến tháng 5/2017, đã có 63/63 tỉnh thành xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là thiếu kinh phí để triển khai Đề án tại địa phương và hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng chưa cao.

Về công tác cảnh báo, dự báo, các đơn vị dự báo đã tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo đến cấp huyện. Tính đến tháng 9/2017, có 79 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh được xây dựng. Tuy nhiên, độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế, phạm vị rộng. Số lượng các trạm đo chuyên dùng còn rất tít, mật độ thưa.

Trong thời gian qua, Yên Bái là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại mưa lớn, lũ quét gây ra, nhất là trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Suốt từ đầu tháng 6 đến hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều xuất hiện mưa lớn kéo dài đã gây lũ, lũ quét, sạt lở tại nhiều huyện, thị xã trong tỉnh.

Đặc biệt, trong đêm ngày 2/8, rạng sáng ngày 3/8, do mưa lớn cục bộ tại khu vực trung tâm huyện Mù Cang Chải và các xã lân cận, đã xảy ra lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tải sản của nhân dân và các công trình công cộng. Cụ thể, thiệt hại về người gồm 23 người (8 người chết, 6 người mất tích và bị thương 9 người). Tổng số thiệt hại về tài sản ước tính trên 546 tỷ đồng.

Đại diện UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Thời gian qua, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn dù đạt được những kết quả nhất định, song cũng còn không ít hạn chế. Nguyên nhân chính là bởi công tác thông tin tuyên truyền cấp cơ sở còn nhiều yếu kém, đồng thời ý thức người dân còn lơ là chủ quan với tình hình thiên tai, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Một số cơ quan cấp Sở đóng trên địa bàn chưa chấp hành các chỉ đạo, yêu cầu của tỉnh trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn…

“Thời gian tới, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nâng cao chất lượng cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất ở pham vi hẹp hơn, không dự báo cả huyện, tỉnh theo bản tin, gây khó cho cơ sở trong công tác cảnh báo thiên tai. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bố trí kinh phí cho Yên Bái thực hiện một số chương trình phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai bao gồm: Dự án quy hoạch, phòng chống lũ quét, hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tại một số huyện trọng điểm, cấp kinh phí triển khai thực hiện đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, vị đại diện này cho biết.  

Mô hình dựa vào cộng đồng  

Trong các loại hình thiên tai, lũ ống, lũ quét sạt lở đất được đánh giá hết sức nguy hiểm, có mức độ tàn phá lớn và để lại hậu quả lâu dài. Thực tế cho thấy, việc cảnh báo, dự báo những loại hình thiên tai này còn hạn chế.

Các đại biểu cho rằng, ứng phó với loại hình này cần thực hiện song song “giải pháp công trình” và “phi công trình”. Trong đó tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, huy động người dân tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm; nâng cấp và bổ sung các trạm quan trắc đo mưa; xây dựng và chuyển giao các bản đồ vùng nguy cơ sạt trượt đất đá, lũ quét.

Mô hình cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: H.V

Bên cạnh việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả cảnh báo, ứng phó sạt lở đất. Về lâu dài cần thiết lập hệ thống cảnh báo và sơ tán dân những vùng có nguy cơ cao và thí điểm các công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất.     

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống thiên tai nói chung, lũ quét, sạt lở đất nói riêng của Nhật Bản, ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết: Việc liên tục đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, việc tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, các công trình đập rất quan trọng, trên cơ sở đó vận dụng vào hoạt động cảnh báo sớm. Ngoài ra, theo ông Junichiro Kurokawa, giải pháp quan trọng còn là từng bước nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai...

Về việc phòng chống thiên tai hiệu quả theo mô hình của Nhật Bản, Tiến sỹ Hirotada Matsuki, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho rằng, ở Nhật Bản từ thế kỷ 19, chính quyền địa phương đã chịu trách nhiệm chính trong công tác công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào mô hình tam giác với các cộng đồng tự lực và cư dân tuyến đầu. Chính quyền trung ương có thể hỗ trợ mô hình tam giác này về mặt kỹ thuật và tài chính. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng khả năng thích ứng của địa phương mình.

Hội thảo "Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó". Ảnh: H.V

Đối với Việt Nam, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian tới Tổng cục sẽ xây dựng và triển khai Chương trình tổng phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, tập trung vào lũ quét và sạt lở đất. Trong đó, xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Xác định được các giải pháp công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các vùng có nguy cơ cao tại các địa phương; thí điểm tại một số địa phương. Đề xuất và triển khai các giải pháp phi công trình như: tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo … để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Văn Thắng, để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương; cần phải có một cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và uỷ ban dân tộc miền núi, ban chỉ đạo Tây Bắc, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.

Trong đó, cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo. Xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trị tiềm năng xảy ra nguy cơ. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Đưa thông tin kịp thời tới vùng sâu, vùng xa (thôn bản); Có chính sách định canh, chuyển đổi phát triển kinh tế vùng miền núi nhằm giảm phá rừng; Có đề án di dời dân cư phòng tránh thiên tai....

H.V/Báo Tin Tức
Biến đổi khí hậu: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão
Biến đổi khí hậu: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão

Mặc dù mới vào đầu mùa mưa năm nay, nhưng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có dấu hiệu bất thường của thiên tai, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN