Theo phương án, tuyến buýt nhanh bắt đầu vận hành từ 5 - 22 giờ hàng ngày, ngày thường cứ 5 -10 - 15 phút/lượt, chủ nhật 7 – 10 - 15 phút/lượt. Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,77 km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn – Tố Hữu - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Tần suất 30 phút/lượt, 60 lượt/ngày.
Xe buýt BRT chạy thử nghiệm đón khách tại nhà chờ |
Dự án có tổng đầu tư của dự án là trên 1.100 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuyến buýt nhanh BRT có 44 điểm dừng (cả 2 chiều) phục vụ đón trả khách.
Để cửa tại nhà chờ buýt nhanh mở đồng bộ với cửa xe, thì lái xe phải khớp nối chuẩn đúng vị trí sàn nhà chờ. |
Với giá vé chỉ 7.000 đồng/lượt, giống như buýt thông thường, đặc biệt miễn phí vé cho hành khách trong thời gian vận hành 1 tháng, tuyến buýt BRT đang được trông đợi như một cứu cánh khi tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày.
Sau khi tuyến BRT hoạt động ngành giao thông sẽ điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt hiện tại để kết nối với tuyến buýt BRT, điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 22 để giảm trùng lặp với tuyến BRT trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương.
Với tình trạng ùn tắc trên đường Lê Văn Lương, buýt nhanh BRT sẽ khó nhanh theo dự kiến |
Tuyến xe buýt nhanh này đi trên một làn đường riêng (chiều rộng 3,5 m), tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp bằng một dải phân cách có gờ cao 20 cm. Làn đường cho BRT được thiết kế nằm sát dải phân cách giữa.
Từ ngày 1/1/2017, trong giờ cao điểm tất cả các phương tiện không được đi qua 2 cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà và Láng – Lê Văn Lương để phục vụ cho xe buýt BRT
Buýt nhanh chôn chân trên đường Lê Văn Lương |
Ngày 29/12, hơn 20 chiếc buýt nhanh đồng loạt chạy thử nghiệm đón, trả khách miễn phí. Tuy nhiên, do chưa đến ngày chính thức, nên dù đã có làn đường ưu tiên và lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông phân làn, nhưng nhiều đoạn trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu vẫn xảy ra ùn tắc. Ở nhiều đoạn giao cắt, buýt nhanh phải nhường đường cho các phương tiện khác quay đầu.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định: Tuyến buýt BRT là tuyến vận tải hành khách công cộng quan trọng đầu tiên vận hành, nên việc áp dụng vào thực tế tình hình giao thông chật chội như ở Hà Nội rất khó khăn. Vì vậy, sau khi áp dụng sẽ còn tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh một cách hợp lý nhất. Để buýt BRT mang lại hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt và xử lý vi phạm nghiêm minh, cũng như ý thức tự giác của người tham gia giao thông.