Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, lưu lượng đến hồ Sơn La trên sông Đà, hồ Bản Chát trên sông Nậm Na và hồ Tuyên Quang trên sông Gâm đang tăng nhanh. Lúc 15 giờ ngày 3/7, lưu lượng đến hồ Sơn La ở mức 5.900 m3/s, đến hồ Bản Chát: 2.280 m3/s, đến hồ Tuyên Quang: 1.360 m3/s.
Cuối tháng 6, do ảnh hưởng của rãnh thấp, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ, giao thông một số tuyến đường bị chia cắt. |
Lúc 13h ngày 3/7, thủy điện Huội Quảng trên sông Nậm Mu đã mở 2 cửa xả mặt, lúc 16h30 ngày 3/7, thủy điện Tuyên Quang sẽ mở 1 cửa xả đáy để điều tiết lũ.
Dự báo trong 12 giờ tới, lưu lượng nước đến hồ Sơn La sẽ giảm xuống mức 6600m3/s, đến hồ Bản Chát: 2800m3/s; lưu lượng đến hồ Tuyên Quang sẽ tăng lên mức 2000 m3/s. Mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ lên mức 19,50m (dưới BĐ1: 2,5m).
Dự báo trong 24 giờ tới, lưu lượng nước đến hồ Sơn La sẽ giảm và ở mức 4000m3/s, đến hồ Bản Chát: 900m3/s. Lưu lượng đến hồ Tuyên Quang sẽ tăng lên mức 2000 m3/s. Mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ lên mức 20,0m (dưới B Đ1: 2,0m).
Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên), Sơn La (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp,Thuận Châu), Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao tại huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng), Yên Bái (nguy cơ đặc biệt cao tại huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn), Hà Giang (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Bắc Mê), Cao Bằng (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh, Thông Nông).