Nguy hiểm rình rập
Khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) có diện tích 82 ha, với dân số gần 85.000 người, nên mật độ dân cư thuộc diện cao nhất thế giới, khiến nơi đây luôn chịu áp lực về hạ tầng đô thị. Nhiều nhà phải cơi nới, trồng tầng để tăng diện tích khiến nguy hiểm luôn rình rập.
Các hộ tại ngôi biệt thự 44 Hàng Bè cơi nới. |
Căn nhà cũ gần trăm năm tuổi tại số 70 Cầu Gỗ rộng khoảng 50 m2 có 2 hộ dân sinh sống. Tầng 1 đã được chủ nhà là ông Lê Đình Dũng cải tạo lại nột thất, làm gác xép lửng tăng diện tích. Còn nhà tầng hai, khi sửa chữa không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật an toàn cho hộ xung quanh, nên để dang dở hơn 2 năm nay. Sàn gỗ tầng hai xập xệ, xà gỗ của hệ thống mái nhà đã xuống cấp nhìn rõ ánh nắng mặt trời. Ông Lê Đình Dũng, cho biết: “Chúng tôi đều muốn cải tạo ngôi nhà này do khung tường chịu lực đã có dấu hiệu xuống cấp, nhưng để cải tạo phải có mẫu thiết kế ngôi nhà, chứng minh sự xuống cấp để xin phép đập đi xây mới. Do đó, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chúng tôi chỉ cải tạo nội thất bên trong, khu vệ sinh. Giữ hiện trạng như hiện nay cũng rất lo, nhưng cũng đành chấp nhận”.
Cũng trong tình cảnh tương tự, nhà 44 Hàng Bè vốn là căn biệt thự từ thời Pháp. Căn biệt thự này giờ là “hỗn hợp” giữa một điểm trường tiểu học Nguyễn Du và gần chục hộ dân. Anh Nguyễn Hùng, một cư dân tại đây cho biết: “Điểm trường ở đây có 8 phòng học và phòng chức năng ở tầng 1 và một phần tầng 2. Các phòng và không gian còn lại được tận dụng chia cho các hộ dân nơi đây. Gần chục hộ chung nhau khu vệ sinh, nên việc xếp hàng để giải quyết “nhu cầu cá nhân” sẽ khá lạ lẫm với nhiều người nơi khác đến đây. Các hộ dân nơi đây đều đã cải tạo nội thất bên trong. Tuy nhiên, khung nhà theo năm tháng cũng đã xuống cấp. Biết là nguy hiểm nhưng đành chấp nhận vậy”.
Tầng 2 của căn hộ 70 Cầu Gỗ bỏ hoang gần 2 năm nay. |
Ngay ngõ vào của nhà 44 Hàng Bè, cổng cũ xuống cấp đã được gia cố bằng khung sắt để bảo đảm an toàn người dân và học sinh ra vào. Chân tường căn nhà vừa được trát lại bằng xi măng cát. “Tuy nhiên, khung tường chịu lực có bị mủn và xuống cấp không thì chúng tôi hoàn toàn không rõ. Mới đây nghe thông tin nhà cổ thời Pháp tại 107 phố Trần Hưng Đạo bị sập khiến chúng tôi rất lo lắng. Cũng nghe thông tin các hộ dân trong khu nhà nằm trong diện giãn dân phố cổ nhưng không biết đến khi nào thực hiện”, anh Nguyễn Hùng chia sẻ.
Còn tại nhà 33 Hàng Gà, anh Phạm Khánh cho biết: “Nhà chỉ rộng 20 m2, nay con cái đã lớn cần phòng riêng, nên từ tầng 4 trở lên, chúng tôi chỉ làm nhà bằng khung sắt và vật liệu nhẹ. Cũng biết là nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng biết làm thế nào khi diện tích chỉ có vậy”.
Giải pháp tổng thể
Hiện nay khu phố cổ Hà Nội được quản lý theo Quy chế quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ năm 2014, với một số quy định đặc thù như khống chế độ cao lớp 1-3 từ 6-12 m, các lớp trong cao tối đa 16m, mật độ xây dựng 70%, bảo tồn các công trình 2 tầng trở xuống... Với việc khống chế độ cao tầng, trong khi mật độ dân số cao, thật sự là một bất cập.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Nội: “Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử quốc gia, nhưng người dân vẫn sống và làm việc. “Bảo tồn sống” di tích trong sự sôi động của phát triển kinh tế là áp lực lớn trong công tác bảo tồn. Việc sửa chữa cải tạo nhà ở là nhu cầu chính đáng của người dân. Do đó, quy chế quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội được duyệt năm 2014 cần được phổ biến rộng rãi để người dân tuân thủ không gian kiến trúc quy định. Đây cũng là cơ sở để quản lý, cấp phép xây dựng, chỉnh trang theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để bảo tồn không gian kiến trúc phố cổ, giải pháp căn cơ là phải thực hiện giãn dân. Với mật độ hơn 1.000 người/ha như hiện nay, khó có thể bảo tồn giá trị khu phố cổ khi mà cuộc sống phải chen chúc, hạ tầng sẽ không đảm bảo”.
Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, sau khi có Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc, đơn vị đã giới thiệu các mẫu thiết kế, phương pháp bảo tồn các khu nhà trong khu phố cổ để người dân tham khảo trong quá trình sửa chữa cải tạo. “Hiện Ban quản lý phố cổ mới tiến cải tạo mặt đứng một số tuyến phố như Tạ Hiện, Lãn Ông. Thực hiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, đơn vị đang tiến hành thiết kế đô thị tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy và các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp I để là cơ sở cấp phép và quản lý xây dựng. Những ngôi nhà không nằm trong diện những ngôi nhà nhà cổ, di tích được bảo tồn được cơ quan chức năng tạo thuận lợi cải tạo, sửa chữa, xây mới theo quy định để đảm bảo đời sống người dân. Với những nhà cổ nằm trong diện được bảo tồn sẽ được Ban quản lý phố cổ thẩm định, tư vấn trước khi sửa chữa, cải tạo. Ban quản lý phố cổ đang thống kê hơn 500 nhà cổ có giá trị cần bảo tồn. Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm đang triển khai đề án giãn dân phố cổ giai đoạn 1 của dự án với mục tiêu di dời hơn 1.500 hộ sang khu đô thị Việt Hưng. Do đó những hộ nào thuộc những khu nhà nguy hiểm sẽ được ưu tiên di dời”, đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thực hiện chỉ đạo chung UBND thành phố, quận Hoàn Kiếm đang thực hiện rà soát toàn bộ các công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp. Từ kết quả rà soát, các cơ quan liên quan sẽ đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm an toàn cho công trình và an toàn cho nhân dân.