Đêm 29/4, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2013 đã chính thức khai cuộc với sự tham gia của các màn trình diễn pháo hoa đặc sắc nhất của các đội tuyển đến từ Nga, Nhật Bản (Công ty Tamaya Kitahara), Hoa Kỳ, Ý (Công ty Parente Fireworks - vô địch DIFC 2011 và DIFC 2012) và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Cuộc thi sẽ diễn ra trong 2 đêm 29 và 30/4, chủ đề của cuộc thi "Tình yêu sông Hàn".
Trong đó, cuộc hội ngộ bất ngờ tại DIFC 2013 là những màn trình diễn pháo hoa tuyệt kỹ, lần đầu tiên góp mặt tại DIFC là hai đội đến từ Mỹ và Nga đã khiến người xem trực tiếp cũng như qua màn ảnh nhỏ không khỏi nức lòng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ khai mạc.
Cuộc trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng năm 2013 |
Mặc dù mãi đến 20giờ30 trên bầu trời Đà Nẵng mới bắt đầu xuất hiện những sắc màu rực rỡ của pháo hoa, nhưng từ 16 giờ, dòng người đã đổ về các trục đường chính gần với khu khán đài Trung tâm, đông nhất vẫn là hai đường dọc sông Hàn là Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo để chọn cho mình những điểm lý tưởng nhất để thưởng thức một cách trọn vẹn cuộc đại tiệc âm thanh và ánh sáng của Lễ hội pháo hoa. Đồng thời tranh thủ ngắm nhìn những chiếc cầu là những tác phẩm tuyệt tác của nghệ thuật mới được đưa vào sử dụng dịp 29/3 nhân kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng quê hương và ngắm nhìn 20 chiếc thuyền hoa tập trung xây dựng các hình tượng khẳng định sức trẻ, sự phát triển từng ngày của thành phố...những chiếc thuyền như chở tâm tình của thành phố biển năm nay rất giàu sức hút, giàu ý nghĩa khi được xây dựng những mô hình cột chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định chủ quyền đất nước, về những công trình mới như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cáp treo Bà Nà…những nghệ nhân “cây nhà lá vườn” bằng tình yêu quê hương đã ra sức chăm chút cho những công trình, biểu tượng, hình ảnh mang niềm tự hào về Đà Nẵng. Với sự khéo léo, nhẫn nại, những ngư dân đã tài tình biến những chiếc thuyền cá thô mộc thường ngày trở nên xinh đẹp, duyên dáng, thấm đậm hồn người.
Và rồi sự háo nức, đợi chờ nhất cũng đã đến khi đội Nga, người lĩnh ấn tiên phong cho Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2013. Màn trình diễn ánh sáng đến từ nước Nga là sự kết hợp tuyệt vời của âm nhạc với những hình tượng độc đáo thú vị. Phần âm nhạc bao gồm những tác phẩm phổ biến của Nga cùng những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài. Âm nhạc dân gian Nga được lồng ghép thông qua những phiên bản hiện đại phổ biến. Màu sắc kết hợp với âm nhạc đã lột tả sự xúc động và cảm xúc con người. Những hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp và kì lạ tạo nên sự huyền bí đã đưa người xem vào thế giới cổ tích ánh sáng. Và đội pháo hoa Nga đã thành công khi tạo cho người xem một sự bất ngời và thú vị. "Việc thưởng thức sự trình diễn nghệ thuật luôn đem lại những cảm xúc thú vị. Chúng tôi đặt cả linh hồn mình vào mỗi màn trình diễn pháo hoa và chúng tôi rất hạnh phúc khi có thể mang lại cho các bạn niềm hứng khởi và khiến các bạn cảm nhận được những cảm xúc trào dâng”, đội trưởng đội pháo hoa Nga cho biết như thế. Đội pháo hoa Nga- Trung tâm Pháo hoa “Khan” lần đầu tiên tham gia Cuộc thi đã thật sự làm hài lòng người xem bằng Linh hồn Nga. Trung tâm pháo hoa "Khan" bước vào thị trường pháo hoa Nga từ năm 1993. Đến năm 2005, công ty tham gia trình diễn pháo hoa theo nhạc với màn trình diễn “Kalinka” tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Croatia và sau đó là Giải vô địch pháo hoa mở rộng ở Utska. Hiện nay Trung tâm pháo hoa “Khan” là công ty pháo hoa hàng đầu ở Nga, đại diện cho đất nước này tại các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Điểm khác biệt giữa Trung tâm pháo hoa Khan và các công ty khác ở Nga là: “Khan” là công ty duy nhất sử dụng thiết bị bắn hiện đại “Pyrodigit” để biểu diễn các màn pháo hoa lớn và hiệu ứng đặc biệt trong các tòa nhà.
Đội Đà Nẵng (Việt Nam) với màn trình diễn mang chủ đề “Đà Nẵng- Việt Nam dưới Mặt trời”. Một sự tiến bộ khá rõ nét của đội chủ nhà chính là đã tạo nên sự mới lạ, dẫn dắt người xem qua những cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng và có tính thẩm mỹ hơn hẳn mọi năm, khi quyết định thay vì dùng các tiết tấu hùng hồn, khơi gợi những đau thương, mất mát trong chiến tranh; lần này, màn diễn hướng đến sự nhẹ nhàng cho một cuộc sống tươi đẹp, đằm thắm trong hòa bình và êm đềm như lời ru của mẹ, với tiếng đàn bầu, đàn tranh đầy cảm xúc. Màn trình diễn thể hiện sự âm thầm chịu đựng gian khổ mà đi lên, đấu tranh với thời gian và thời tiết khắc nghiệt để phát triển... của những con người Đà Nẵng. Màn trình diễn gồm 4 chương với các giai điệu sâu lắng ca ngợi đất nước và con người Việt Nam xinh đẹp, hiền hòa cùng những âm thanh đầy xúc cảm về thành phố bên bờ sông Hàn đã mang đến những nét mới lạ cho người dân và du khách. Với 4 chương Việt Nam quê hương tôi; Vũ điệu của nắng; Đất mẹ- Bảy sắc cầu vồng; Đà Nẵng dưới mặt trời. Điểm nhấn của chương trình là chương 2 theo tiết tấu của ca khúc “Vũ điệu trong nắng” của nhạc sĩ Đỗ Bảo, và chương cuối “Đà Nẵng dưới Mặt trời” do An Thuyên sáng tác. “Vũ điệu trong nắng” là khúc ca tráng lệ mô tả vẻ đẹp của cái nắng đô thành, cái nắng lung linh trên sông Hàn, trên bờ cát trắng biển xanh, trên những nhịp cầu mới... Giai điệu của tiếng đàn tranh đã dìu khán giả tới những cảm xúc nhẹ nhàng, trong trẻo như màu nắng tươi, một cảnh tượng ngày ngày mang lại nguồn sống vui cho hàng vạn con người. Đi qua chương 3 trong tiếng đàn bầu, chương 4 là một bản giao hưởng mô tả sự ban tặng hào phóng của thiên nhiên dành cho đất và người Đà Nẵng. Tên những ngọn núi Ngũ Hành, bán đảo Sơn Trà, bờ biền dài sóng vỗ... như ngân lên du dương, âm vang, mời gọi bạn bè khắp nơi đến với một thành phố thân thiện, hòa bình. Đội Việt Nam đã dùng nhiều góc bắn và vô số hiệu ứng lạ, cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ và đầy ngạc nhiên.
Kết thúc đêm đầu tiên của Cuộc thi là màn trình diễn của đội Ý đội đã 2 lần đoạt giải nhất qua 5 kỳ thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. “Cảm xúc của dòng sông”, thiết kế bởi Antonio Parente, đại diện công ty Parente Fireworks, là màn trình diễn pháo hoa của đội Ý tại Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm nay. Đây là một cuộc phiêu lưu đầy xúc cảm theo dòng chảy sông Hàn, hòa mình vào tốc độ và cảm giác của dòng sông. Những khoảng lặng trầm tư bất chợt, những thời khắc dữ dội mãnh liệt hay không gian trang nghiêm hòa quyện, xen lẫn vào nhau. Các bản nhạc không lời, từ thể loại New Age, nhạc điện tử cho tới các điệu van hay nhạc thính phòng, tác động mạnh mẽ tới cảm xúc người xem, tái tạo nên những hình ảnh đôi khi rất xung đột với nhau được chủ yếu sử dụng trong màn trình diễn này.
Đội Ý đã tạo nên một màn trình diễn thật sự khác biệt, với những thay đổi nhanh lẹ như đặc điểm của một dòng sông chảy qua thành phố. Qua đó, người xem đã cảm nhận được một cuộc hành trình từ nơi bắt nguồn tới tận nơi cửa sông, chảy qua những dãy núi, tới các thành thị, từ những khu rừng cho tới các đầm lầy