Đánh đố người dânTrong những năm gần đây, nhiều tuyến phố mới hình thành hoặc mở rộng nhưng chưa đặt tên đang gây khó khăn cho người dân. Em Nguyễn Văn Đông (Ba Vì) đăng ký vào học trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, thông tin liên hệ ghi ngõ 86 Chùa Hà. Nhưng khi em gửi thư đến thì bị bưu điện trả lại. Em đến tận nơi tìm thì trường nằm ngay trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Do đây là tuyến đường mới mở nhưng chưa đặt tên, nên cuối cùng em phải lặn lội gần mấy chục cây số để nộp hồ sơ”.
Tuyến phố mang tên “Ướp lạnh” do đơn vị giao thông tự gắn biển từng gây xôn xao dự luận. |
Tương tự, người dân xã Kim Chung (Đông Anh) nơi có Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cũng mong muốn các tuyến đường trong xã được đặt tên để tiện trong việc giao dịch. Bà Nguyễn Minh Dung ở xã Kim Chung cho biết: “Hầu hết người dân ở đây đều kinh doanh phòng trọ cho thuê, tuy nhiên chưa có tên đường phố nên người dân đăng quảng bá theo thôn hoặc tên đường theo tên gọi địa phương. Với người ngoại tỉnh thì rất khó khăn tìm kiếm, nên phải ra đón, dẫn đường. Do đó, việc sớm đặt tên đường tại khu vực đô thị hóa đông như xã Kim Chung là việc cần thiết”.
Việc chưa chủ động đặt tên đường dẫn đến việc đánh số nhà “tùy hứng” đã để lại nhiều hậu quả. Cụ thể như tuyến đường Láng Hạ là trục hướng tâm của Thủ đô, nhưng việc đánh số nhà trên tuyến đường này như đánh đố người dân. Chị Phạm Thu Thủy tìm đến Công ty du lịch Ánh Dương, địa chỉ tại 47 Láng Hạ, nhưng tìm mãi không ra, đành gọi điện thoại nhờ hướng dẫn. Cũng trong tình cảnh tương tự, Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho biết: Mới đây, có việc gặp đối tác ở đường Láng Hạ, nhưng đi vài vòng không tìm thấy địa chỉ số nhà, đành gọi điện để họ ra đón. Thực sự việc đánh số nhà ở nhiều tuyến đường phố Hà Nội không khoa học đang gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Việc chưa đặt tên đường phố và hệ lụy tiếp theo là số nhà chưa có đang khiến người dân lúng túng trong giao dịch. Do đó, mới đây, người dân Hà Nội xôn xao vụ tự ý đặt tên đường “Ướp lạnh” tại quận Nam Từ Liêm. Tuyến đường hơn 1 km vẫn thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần công trình giao thông 2. Để thuận tiện cho giao dịch, Công ty cổ phần công trình giao thông 2 “tự ý” gắn biển tên đường theo thói quen truyền miệng của người dân nơi đây.
“Tình trạng tự đặt tên khá phổ biến ở các khu đô thị mới, thường họ tự đặt tên theo số thứ tự của khu đô thị. Vì những khu này chưa bàn giao cho quận quản lý, nên những tên này vẫn tồn tại và cơ quan quản lý khó can thiệp”, ông Bùi Thế Quân, Phó phòng Văn hóa Thể thao quận Long Biên cho biết.
Xây dựng ngân hàng tên Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT): “Việc đặt tên đường phố trở nên khó khăn bởi tên các danh nhân nổi tiếng đang cạn dần, trong khi nhiều tuyến đường, phố mới được mở. Đây luôn là vấn đề bức thiết trong công tác quản lý đô thị, nhất là vùng ven ngoại thành đang đô thị hóa nhanh”.
Sở VHTT sẽ lập đề tài khoa học, trong đó quy hoạch lại việc đặt tên đường phố với những tiêu chí rõ ràng để người dân, các nhà khoa học đóng góp ý kiến.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao |
TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhận định: “Việc đặt tên đường phố tại Thủ đô cho thấy vấn đề dự báo và quy hoạch dường như còn bị động và việc xử lý thiếu tính hệ thống. Rõ nhất là qua sự việc đặt tên tuyến phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông”.
Còn KTS Ngô Doãn Đức, PCT Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Hà Nội đang hình thành các khu đô thị mới, nhưng do chưa có quy hoạch chi tiết, sắp xếp tổng thể tên phố, nên mỗi lần bổ sung như chỉ lấp đầy tên vào, chứ chưa tạo ra một bố cục các tên phố có ý đồ trước.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, việc đặt tên đường, phố và đánh số nhà sao cho khoa học là nhu cầu bức thiết của người dân trong quá trình đô thị hóa, thuận tiện cho giao dịch. Hà Nội cần làm tổng rà soát việc đặt tên theo địa danh, nhân vật để có cái nhìn tổng thể. Từ đó, đề xuất xây dựng ngân hàng dữ liệu đặt tên các tuyến đường phố. Cụ thể ở đây là kiến nghị sửa Nghị định 91/2005 về Quy chế đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng. Theo đó, việc đặt tên theo đặc sản vùng miền, nghề thủ công hoặc việc đặt tên gắn địa danh có kèm theo đánh số như Kim Chung 1, Kim Chung 2. Bên cạnh đó, việc đặt tên theo nhân vật có tiêu chí cụ thể, ưu tiên người có công với cộng đồng địa phương hoặc mở rộng việc đặt tên với danh nhân thế giới.
“Cũng cần phải có sự liên kết giữa Sở VHTT và Sở Quy hoạch kiến trúc để có sự thống nhất phương án tuyến đường phố sẽ đặt tên. Từ việc đặt tên đường phố cũng thống nhất việc đánh số nhà đồng bộ, không để tình trạng lộn xộn trên nhiều tuyến phố như hiện nay. Hà Nội nên thống nhất đầu mối làm công việc này. Hiện việc tham mưu đặt tên do Sở VHTT chủ trì, tuy nhiên việc đánh số nhà thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng. Do đó, để đồng bộ, UBND thành phố Hà Nội nên giao thống nhất về sở VHTT. Việc đặt tên đường phố, đánh số nhà khoa học, nhanh chóng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách và hướng tới quản lý đô thị văn minh, hiện đại”, giáo sư Phan Huy Lê cho biết.