Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ở Việt Nam gần đây phát triển nhanh chóng, ngày càng đa dạng với hơn 10.000 sản phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng mặt hàng này còn nhiều bất cập, thậm chí, không ít người tiêu dùng lầm tưởng giữa thuốc chữa bệnh và TPCN.
Nguy hại từ quảng cáo quá mức
Theo quy định về Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, TPCN là sản phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. TPCN bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học...
Thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm đây là loại thuốc điều trị bách bệnh. |
Nếu như trước đây, TPCN chủ yếu được nhập khẩu, phân phối thông qua một số công ty bán hàng đa cấp, hay bán hàng qua mạng internet thì hiện nay hầu hết các siêu thị, nhà thuốc đều kinh doanh loại thực phẩm này. Điều đáng nói, tuy TPCN không có khả năng chữa bệnh nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại quảng cáo như là thuốc chữa bách bệnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Sử dụng TPCN cũng có thể bị sốc phản vệ và cũng có thể dẫn đến tử vong nếu dùng không đúng. Thế nhưng, do chịu tác động của quảng cáo, người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này không đúng cách, không được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng. Hiện người tiêu dùng chủ yếu tự tìm hiểu thông tin về TPCN qua các kênh thông tin sẵn có trên mạng internet, báo đài, qua truyền miệng hoặc đại lý kinh doanh giới thiệu về sản phẩm nên nhận thức về sản phẩm rất hạn chế. Người tiêu dùng còn hiểu lầm đây là loại thuốc điều trị bách bệnh. Chính vì vậy, không ít người tiêu dùng đã tiền mất tật mang vì tin vào quảng cáo TPCN”.
Ông Hùng dẫn chứng về trường hợp một bệnh nhân ở Hà Nội bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não: “Khi người nhà đọc quảng cáo trên một tờ báo cho biết sản phẩm Tâm não khang có tác dụng chữa khỏi bệnh cho người bị tai biến mạch máu não lâu ngày và chỉ cần dùng 3 liệu trình có thể đứng dậy, chạy được nên đã cho bệnh nhân uống. Thế nhưng, khi bệnh nhân uống được 4 hộp thì chân phải bị phù nề, sưng to dần. Sau khi thắc mắc, được nơi bán hàng tư vấn, bệnh nhân lại uống tiếp 2 hộp nữa nhưng chẳng những không khỏi mà chân còn sưng to thêm. Một bệnh nhân khác cũng vì nghe quảng cáo trên ti vi đã mua trà túi Đan Sâm dùng cho người cao huyết áp nhưng uống vào huyết áp lại tăng lên”.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2013, Bộ Y tế đã kiểm tra 95 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN đã phát hiện 48 cơ sở sai phạm, chủ yếu là sai phạm về quảng cáo và một số cơ sở sai phạm về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm sai quy định...
Quản lý chưa theo kịp
Theo Bộ Y tế, nếu như năm 2000, tại thị trường Việt Nam chỉ có khoảng 30 sản phẩm TPCN, thì đến nay đã có 10.000 sản phẩm được lưu hành. Trong đó, 40% được nhập khẩu từ nước ngoài, 60% còn lại được 1.800 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất. Sự phát triển "nóng" của ngành thực phẩm chức năng lại đặt ra cho công tác quản lý những thách thức không nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thừa nhận: “Tốc độ phát triển sản xuất và kinh doanh loại hàng này rất nhanh trong khi hệ thống các văn bản chưa theo kịp, công tác thanh tra trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Có tình trạng các công ty đa cấp quảng cáo TPCN vượt quá công dụng thực tế của sản phẩm. Nhiều loại TPCN được nhập khẩu là hàng lậu, được nhập khẩu theo đường xách tay nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Thêm vào đó, hiện nay, TPCN vẫn chưa phải thực hiện quy định bắt buộc về công bố định lượng các chất để dễ dàng kiểm soát”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay đã có nhiều thông tư ban hành về việc quản lý TPCN, thế nhưng do thời điểm ban hành đã lâu trong khi thị trường TPCN vào thời kỳ ban hành thông tư cũng chưa phát triển mạnh và diễn biến phức tạp như bây giờ nên nhiều quy định đã không còn phù hợp.
Bàn về giải pháp quản lý TPCN trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Bộ Y tế sẽ sớm ban hành các văn bản quản lý phù hợp hơn. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư về TPCN, nêu rõ quy định có nên kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc hay không, quảng cáo như thế nào, quy trình hướng dẫn sử dụng TPCN... Bộ cũng sẽ có quy định cởi mở hơn về việc bác sỹ được hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng. Về lâu dài, Bộ sẽ ban hành quy định về TPCN dựa trên Nghị định của ASEAN trong vấn đề này”.
Để quản lý tốt và giúp người dân sử dụng TPCN đúng cách, ông Nguyễn Thanh Phong cũng đề xuất cần ban hành văn bản quản lý TPCN phù hợp với thực tế; khuyến khích cộng tác giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất, cơ quan quản lý để cho ra đời các sản phẩm tốt, giá thành hạ; khuyến khích người dân có tư vấn của cán bộ y tế khi sử dụng TPCN.
“Tốc độ phát triển sản xuất và kinh doanh loại hàng này rất nhanh trong khi hệ thống các văn bản chưa theo kịp, công tác thanh tra trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế”. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế |
Bài và ảnh: Đan Phương