Lừa tiền qua nick yahoo lại tái diễn

Việc sử dụng nick để lừa nạp thẻ điện thoại qua Yahoo Messenger tuy xuất hiện đã lâu, nhưng cứ sau một thời gian lắng dịu thì lại bùng phát trở lại. Gần đây, tình trạng lừa đảo này lại rộ lên với nhiều thủ đoạn khác nhau khiến cho nhiều người dùng Internet tiếp tục bị mất tiền oan.


Cướp nick, lừa tiền lại tái diễn


“Bác của N… làm ở tổng đài vừa chỉ cho cách nạp card điện thoại, 400.000 đồng được 2,4 triệu đồng và 500.000 đồng được 3 triệu đồng, thẻ Viettel, Mobi, Vina đều được. Nhưng chỉ đến 12giờ30 ngày hôm nay là hết rồi. Mọi người ai muốn nạp thì hồi âm để N hướng dẫn cách nạp nhé, nhớ tranh thủ thời gian…”.


Đang ngồi chát với một vài người bạn trên Yahoo Messenger, chị Hà Linh nhận được đoạn thông báo từ nick của một người em họ tên Nhân, chị vào chát hỏi thêm thông tin, thì được nick của “em họ” tên Nhân khẳng định, đó là thông tin thật 100%, ông bác chồng em làm bên tổng đài điện thoại, em cũng vừa nạp xong. Nhưng sắp hết thời gian, nên nếu chị muốn nạp thì phải nhanh chân lên mới kịp. Rồi nick “em họ” đó hướng dẫn tận tình cách nạp tiền điện thoại: Đầu tiên là mua thẻ về, cào, sau đó gửi mã số và số seri thẻ cho em qua nick, để em truy cập vào mạng và làm nhiễu sóng tín hiệu của nhà mạng trong thời sóng nhiễu, nếu 1 thẻ 100, chị nạp liên tục trong 6 lần, sẽ được tới 600.000 đồng…


Khách hàng nên cảnh giác với những chiêu lừa đảo qua mạng.
Ảnh: Internet


Không mảy may nghi ngờ vì đó là người em họ rất gần, chị em biết và chơi với nhau từ lâu, nên chị Linh vội vàng đi mua thẻ điện thoại và làm theo hướng dẫn. Sau khi gửi đi, chờ một lát chưa thấy hồi âm. Đến tận lúc này, chị Linh vẫn không nghi ngờ gì, mà chỉ lo sắp hết thời hạn được nạp (12giờ30), chị Linh liên tục chát giục hỏi em xong chưa, thì được “cô em” nhắn về: Đang chạy được 87% rồi, chị chờ một chút là được, chị cho em mật khẩu nick của chị để em nhập vào hệ thống, khi nào hệ thống nhắn mã số về thì chị mới nạp được. Chị Linh vội vàng làm theo hướng dẫn, nhưng cũng ngay lập tức, Yahoo Messenger của chị bị ngắt, vào mãi không được, chị mới lo lắng gọi cho người em họ, lúc đó cô em họ mới thông báo, nick đó đã bị hacker cướp mất.


Chị Linh than thở: “Vì là em họ, nên mình không mảy may nghi ngờ gì. Giờ nghĩ lại mới biết mình dại, nhất là việc ngu ngơ cho nó biết cả mật khẩu. Nhưng lúc đó, phần là do mình tin đó là cô em mình, phần vì sắp hết thời hạn được nạp khuyến mại theo như nick của em thông báo, nên mình không đủ bình tĩnh để suy ngẫm kỹ càng. Chỉ nghĩ là cho em mật khẩu, nạp xong thẻ thì mình sẽ đổi lại, ai dè…”.


Rất nhiều người cũng bị mất tiền oan vì tin chiêu nạp tiền điện thoại như vậy. Vừa mở nick chat Yahoo Messenger, anh Hoàng liên tục nhận được lời chào mời từ nick name của một người bạn thân: "Mày biết tin gì chưa? Hôm qua tao vừa cào thẻ điện thoại 500.000 đồng được khuyến mại 3 triệu đồng". Rồi người bạn đưa ra gợi ý: "Khuyến mại khủng này chỉ dành cho nội bộ nhân viên nhà mạng. Vì tao có ông bác làm ở Viettel, có thể đăng ký được 50 suất. Hiện nay bác tao đã đăng ký được cho 40 người, còn 10 suất nữa, mày muốn nạp thì đi mua ngay thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng, hoặc mua 5 thẻ mệnh giá 100.000 đồng cũng được. Khi nào có thẻ, mày cào, nhắn lại mã số qua nick để tao bảo bác tao đăng ký cho. Nhớ nhanh lên không người khác nạp mất nhé”. Khi anh Hoàng thắc mắc, bạn mình cũng làm bên mạng Viettel, sao không thấy bảo gì về chương trình khuyến mại này, thì nhận được câu trả lời từ phía bên kia: "Chắc nó không làm ở bộ phận này nên không biết". Thấy vậy, anh Hoàng cũng không nghi ngờ gì, nên mua thẻ cào gửi đi, và rồi cũng bị mất luôn…


Đại diện của các nhà mạng khi được hỏi đều khẳng định, các nhà mạng khi thực hiện các chương trình khuyến mãi đều không nằm ngoài quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông, được thông báo trên các cơ quan thông tin đại chúng và tại website của nhà mạng, chứ không hề có chương trình khuyến mãi nào lại có mức ưu đãi lớn như các chương trình mà các hacker vẫn dùng để lừa người dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận để không bị lừa.


Anh Hoàng tâm sự: “Mình bị lừa vì tham khuyến mại khủng nên phải chịu, chỉ tức một điều là nó cướp nich của mình, rồi dùng chính nick ấy đi lừa người khác. Mà trong nick của mình lại có rất nhiều đối tác làm ăn…”. Điều anh Hoàng lo lắng nhất hiện nay là bị mất uy tín với đồng nghiệp, với đối tác và không biết bao nhiều người khác sẽ bị lừa do tin đó là anh.


Một số người tuy không bị mắc bẫy nạp tiền điện thoại, thì lại mất tiền oan vì nể bạn. Anh Minh, cán bộ văn phòng, đang làm việc thì thấy nick của người bạn nhảy vào chát, nói đang ở quê, thẻ 3G hết tiền mà đi mua thẻ nạp thì xa nhà quá, nhờ anh nạp hộ 1 thẻ Viettel 200.000 đồng để dùng 3G, khi nào về sẽ gửi tiền sau. Rồi người bạn cho anh một số điện thoại Viettel, nói là số 3G mình đang sử dụng để anh Minh nạp tiền. Tin lời bạn, anh Minh cũng mua thẻ và gửi cho bạn, thế là mất luôn. Anh Trường, nhân viên kinh doanh cũng bị nick của bạn nhờ cào hộ, nhưng khi anh cẩn thận hỏi thăm công việc, hỏi thăm những người thân trong gia đình người bạn, thì nick lại ậm ừ, đánh trống lảng rồi thoát luôn…


Cảnh giác để không mắc bẫy


Có thể nói, những chiêu trò lừa đảo tiền điện thoại mỗi người mỗi khác, không ai giống ai, nên cũng rất khó để đề phòng. Tuy nhiên, với ai cẩn thận một chút, hỏi một vài thông tin kiểm tra, thì sẽ dễ dàng phát hiện và không bị mắc bẫy. Đa số những người mắc bẫy khuyến mại đều là do ham khuyến mãi, lại dễ tin bạn, không hề kiểm tra, nên mới bị lừa.


Thủ đoạn để kẻ lừa đảo đoạt nick cũng mỗi người một khác. Như chị Linh là trường hợp hiếm hoi, vì đó là người nhà, nên cho mượn cả mật khẩu (password). Những người khác thì bị mất theo một kiểu khác nhau. Như trường hợp của chị Hà là một ví dụ. Chị Hà nhận được một đường link từ nick của bạn kèm lời nhắn: “Tớ vừa đi nghỉ về, có mấy tấm ảnh hay lắm, bạn xem nhé!”. Không nghi ngờ gì, chị Hà click luôn vào đường link, nhưng đường link hiện ra dòng chữ yêu cầu chị muốn xem được ảnh phải vào blog mới xem được, chị Hà không nghi ngờ nhập mật khẩu của mình để vào blog mà không ngờ là mất luôn nick yahoo…


Theo những người hiểu biết về công nghệ, việc bị hack nick chat Yahoo thông thường là do người dùng click vào những đường link không rõ nguồn gốc, những đường link đó có thể là giao diện giả của blog, Yahoo Mail hoặc ứng dụng Yahoo Messenger để khi người dùng đăng nhập vào thì thông tin về tài khoản của họ sẽ lập tức được gửi đến hòm thư của hacker. Hoặc khi người dùng tham gia trực tuyến tại các địa điểm Internet công cộng, vô tình click vào những chương trình duyệt hoặc icon hiển thị trên màn hình, những chương trình hoặc icon này rất có thể được tạo ra bởi các hacker.


Đối với trường hợp này, nếu người mất nick còn nhớ được câu hỏi bí mật thì có thể cướp lại được nick từ tay hacker. Nhưng cũng có nhiều người, do lập nick quá lâu nên không thể nhớ được câu hỏi bí mật, một số người nhờ bạn bè lập hộ nick chát nên gần như không thể lấy lại được nick của mình. Cách tốt nhất có thể làm lúc này là thông báo cho các bạn bè của mình để xóa nick đi và không bị mắc lừa. Trong trường hợp người dùng không nhớ thông tin khi đăng ký tài khoản, họ cần khai báo về những giao dịch gần đây (ví dụ như gửi mail cho ai, danh sách bạn bè trong tài khoản Yahoo...) gửi tới bộ phận chăm sóc khách hàng của Yahoo, theo hướng dẫn trên trang chủ của Yahoo để được hỗ trợ phục hồi tài khoản. Tuy nhiên không phải ai cũng phục hồi lại được nick của mình.


Đại diện Yahoo cho biết tình trạng hack nick chat Yahoo hiện nay là mối nguy hại không chỉ cho người dùng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Yahoo khuyến cáo người dùng hãy tham khảo và học tập một số cách ngăn ngừa các mối nguy hiểm trực tuyến tại website vn.safely.yahoo.com.



Hà Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN