Lũ lớn ở miền Trung và Nam bộ

Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam lên nhanh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới với nhiễu động gió đông trên cao; trong hai ngày qua, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trong 18 giờ (từ 19 giờ ngày 15/10 đến 13 giờ ngày 16/10) phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi mưa trên 300 mm như Minh Hóa (Quảng Bình): 355 mm, Hải Tân (Quảng Trị): 365 mm, Mỹ Chánh (Quảng Trị): 407 mm.

Lực lượng cứu hộ huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đang lên nhanh; riêng các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đang ở mức cao. Mực nước lúc 16 giờ ngày 16/10/2011 trên các sông chính như sau: Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 9,37 m, trên BĐ2: 0,37m; sông Gianh tại Mai Hóa: 6,35m, dưới BĐ3: 0,15m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,24m, trên BĐ3: 0,54m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,22m, dưới BĐ3: 0,28m; sông Bồ tại Phú Ốc: 3,73m, trên BĐ2: 0,73m; sông Hương tại Kim Long: 1,84m, dưới BĐ2: 0,16m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,79m, dưới BĐ2: 0,21m.

Dự báo sáng sớm 17/10, lũ trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 9,6 m, trên BĐ2: 0,6m; sông Gianh tại Mai Hóa: 6,8m, trên BĐ3: 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,5m, trên BĐ3: 0,8m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,8m, trên mức BĐ3: 0,3m; sông Bồ tại Phú Ốc: 4,2m, dưới BĐ3: 0,3m; sông Hương tại Kim Long: 2,2m, trên BĐ2: 0,2m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,5m, trên BĐ2: 0,5m. Hạ lưu sông La, sông Thu Bồn và các sông ở Quảng Ngãi lên mức BĐ1 và trên BĐ1 từ 0,1 - 0,3m. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh trên.

Mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều nơi

Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được từ ngày 13-16/10 đạt từ 160 đến 368 mm, trong đó lượng mưa nhiều nhất tại thành phố Đông Hà, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa),... Chỉ tính lượng mưa đo được trong vòng 2 giờ (7-9 giờ sáng) ngày 16/10, tại thành phố Đông Hà đã có lượng mưa tới 174 mm, tại Hải Sơn là 96 mm,....

Đường giao thông từ xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong) đi thị xã Quảng Trị bị ngập. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tại thành phố Đông Hà, hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước, trong đó có nhiều ngôi nhà ngập sâu tới 0,5 m như ở khu phố 11, phường 5; một số khu phố của phường Đông Lễ. Mưa to đã gây chia cắt nhiều tuyến đường của thành phố Đông Hà.

Lực lượng cứu hộ huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: Hồ  Cầu-TTXVN


Sáng 16/10, một chiếc taxi của hãng taxi Lê Nguyên chở 4 người trong lúc vượt qua đoạn nước chảy xiết trên đường Nguyễn Du thuộc địa bàn phường 5 đã bị nước cuốn trôi. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, người dân trong khu vực đã nỗ lực tham gia cứu hộ, nhờ vậy cả 4 người, trong đó có 2 em nhỏ đã được cứu kịp thời.

Tại huyện Đakrông, mưa lớn cũng làm ngập cầu tràn, chia cắt đường vào hai xã Ba Lòng và Hải Phúc. Tại huyện Hải Lăng, một số xã vùng trũng nước đang bắt đầu dâng. Dự báo mưa sẽ còn kéo dài và có thể gây ngập lụt cho nhiều khu vực khác. Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động giúp nhân dân chống ngập lụt.

* Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại tỉnh Quảng Bình, có mưa to trên diện rộng làm nước trên các sông, suối lên nhanh và đã gây ngập lụt tại nhiều nơi trên địa bàn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, nhiều đoạn, tuyến giao thông ở tỉnh Quảng Bình bị ngập chìm trong nước gây chia cắt cục bộ như: Quốc lộ 12 tại km 14+300, km 61+700, km 68+800, km 74 +400; quốc lộ 15 đoạn km 456+400, km 475 +300; tỉnh lộ 558, 559, 563, 569B, 564… Hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình có ít nhất 4.000 ngôi nhà đã bị ngập nước, trong đó, nặng nhất là huyện Lệ Thuỷ với 3.000 ngôi nhà.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Nước trên sông Kiến Giang đã vượt báo động 3 trên 0,5 m. Các tuyến đường trên địa bàn huyện hầu hết đã bị ngập chìm trong nước gây chia cắt nhiều nơi. Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo xã Kim Thuỷ, Trường Thuỷ phối hợp cùng với các cơ quan chức năng ở huyện kịp thời di dời 400 hộ dân với trên 1.000 khẩu ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Hiện nay, huyện Lệ Thuỷ đang tích cực chỉ đạo các địa phương, các đơn vị chức năng cùng nhân dân các địa phương trong huyện tích cực phòng chống lụt bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Lũ đe dọa lúa vụ ba ở Nam bộ

Trưa ngày 14/10, bờ Bắc kênh Đào thuộc 2 xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc (An Giang) do bị áp lực nước lũ đã làm vỡ một đoạn đê bao có chiều dài hơn 40 mét, 2.125 ha lúa vụ thu đông đang ở trong giai đoạn 40 ngày tuổi của nông dân bị ngập nước.


Trao hàng cứu trợ cho người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu (An Giang) bị cô lập trong nước lũ. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Sau khi bị vỡ đê, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang đã huy động lực lượng ứng cứu đê lên đến hơn 1.000 người, bao gồm các lực lượng quân sự, công an và người dân địa phương để khắc phục, hàn lại đê bao và tiến hành xử lý bơm tát nước ra cứu lúa. Trưa 15/10, tỉnh đã tập trung hạ thêm 2 trạm biến áp 250KVA, huy động 18 máy bơm điện và 6 máy bơm dầu của người dân để bơm tiêu chống úng. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh An Giang, đến 15 giờ 30 ngày 15/10, đoạn bị vỡ bờ Bắc kênh Đào thuộc xã Vĩnh Châu thị xã Châu Đốc (An Giang) đã được gia cố xong.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN