Mặc dù rất mong muốn sở hữu nguồn nhân lực có kỹ năng, có chất lượng nhưng không ít doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ lại viện nhiều lý do để biện minh cho việc “ngại” tham gia vào quá trình liên kết đào tạo nghề. Đó là thực tế được chỉ ra tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giáo dục dạy nghề tại cộng đồng" diễn ra hôm qua (25/11).
Doanh nghiệp chưa quan tâm thỏa đáng
Việc liên kết với trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực là một phương thức hiệu quả giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí mà vẫn sở hữu được lực lượng lao động như ý.
Học sinh vận hành máy tiện cắt gọt kim loại trong giờ thực hành tại trường Trung cấp nghề Bắc Kạn. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN |
Theo ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nếu DN không tham gia đào tạo nghề thì người lao động (NLĐ) sau khi được tuyển dụng khó thích ứng ngay với công nghệ sản xuất của DN, và DN phải mất chi phí đào tạo lại. Trong khi đó, nếu có sự quan tâm và tham gia cùng cơ sở dạy nghề vào quá trình đào tạo, DN sẽ tuyển được những NLĐ thích ứng được ngay với yêu cầu của DN, với công nghệ sản xuất của DN ngay khi mới vào làm.
Tuy nhiên, hiện nay các DN vẫn còn chưa quan tâm thỏa đáng đến điều này. Trường Cao đẳng Công nghiệp - Dệt may thời trang Hà Nội đã phát phiếu thăm dò nhu cầu về nguồn nhân lực gửi tới 1.000 công ty nhưng chỉ nhận về được... 40 phiếu có nhu cầu. “Chúng tôi còn phỏng vấn sâu nhiều Giám đốc DN rằng “sau 2 năm nữa, công ty có nhu cầu về nguồn nhân lực như thế nào” nhưng rất nhiều DN không thể trả lời chính xác được”, ông Hoàng Xuân Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường kể. Đó là hệ quả khi các DN nhỏ và vừa không xây dựng được chiến lược kinh doanh rõ ràng.
“Không có chiến lược kinh doanh nên mơ hồ về chiến lược nguồn nhân lực. Mà khi bản thân DN không nắm được mình cần gì để cung cấp thông tin cho cơ sở đào tạo nghề thì khó mà liên kết đào tạo”, ông Hoàng Xuân Hiệp khẳng định.
Ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận: Thực tế, hiện nay, nhiều DN rất mong muốn lao động của mình có kỹ năng, có chất lượng nhưng họ lại viện rất nhiều lý do để biện minh cho việc “ngại” tham gia vào quá trình liên kết đào tạo. Lý do hàng đầu là: “Không đủ kinh phí”.
Sắp có Quỹ phát triển dạy nghề
Quá trình liên kết đào tạo nghề hiệu quả thực sự đòi hỏi cả đôi bên (trường nghề và DN) đều phải có trách nhiệm và điều đầu tiên là cung cấp thông tin. Nhưng theo ông Mạc Văn Tiến, trong khi cơ sở dạy nghề đã tích cực đến tận DN, thì trách nhiệm xã hội của DN về lĩnh vực này cũng như tính hợp tác của DN lại chưa cao.
Để mối quan hệ giữa nhà trường và DN trở nên chặt chẽ và hiệu quả, một trong những giải pháp là nâng cao nhận thức cho DN để họ thấy rõ quyền và lợi ích của họ khi tham gia đào tạo nghề. Mặt khác, khi tham gia, chính họ sẽ phản hồi được về những khiếm khuyết của quá trình đào tạo để từ đó, giúp nâng cao chất lượng đào tạo lên từng bước.
Có nhiều hình thức kết hợp là DN đặt hàng cho các cơ sở đào tạo, nhận sinh viên vào thực tập, tham gia vào quá trình đào tạo bao gồm xây dựng chương trình, cử chuyên gia DN tới giảng tại lớp, tham gia vào quá trình đánh giá học sinh trong quá trình học và cuối khóa, nhận sinh viên vào làm sau khi SV học xong.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dạy nghề đang nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển dạy nghề. Những DN nào không tổ chức dạy nghề mà nhận lao động do các cơ sở dạy nghề đào tạo thì sẽ phải đóng góp kinh phí cho quỹ. Còn những DN nào tự mở cơ sở dạy nghề thì sẽ được Quỹ hỗ trợ kinh phí. Theo ông Mạc Văn Tiến, Quỹ này mang lại “lợi ích kép” cho DN. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ “đốc thúc” DN chủ động hơn vào liên kết để đào tạo nghề.
Mạnh Minh