Đời sống dân vạn đò, ăn ở sinh hoạt trên sông nước rất cực khổ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương di dời họ lên bờ định cư để ổn định đời sống, đỡ vất vả hơn. Nhưng hơn 5 năm qua cuộc sống của họ chẳng khấm khá gì hơn, thậm chí còn cực hơn trước lúc ở trên đò. Đó là nhận định chung của những người dân thuộc xóm nhà “chồ”, nhà “sàn” trên mặt nước ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Định cư tạm bợ
Về huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế
không khó để bắt gặp các làng, các xóm nhà sàn trên mặt nước. Một cảnh tượng dễ
thấy ở đây là những ngôi nhà “chồ” hay nhà “sàn” (theo cách gọi của người dân
địa phương) được dựng lên một cách tạm bợ và chật hẹp. Diện tích mỗi ngôi nhà
“chồ” cũng chỉ vọn vẻn 20 - 25 m2, mọi sinh hoạt, ăn ở đều trong phạm vi ấy.
Vật liệu để làm nhà chủ yếu là tre, nứa và gỗ
tạm, bao bọc xung quanh là các tấm tôn và phibrôximăng, bao bì cũ. Một căn nhà
như vậy được dựng lên chi phí hết khoảng 7-10 triệu đồng, đó là số tiền không
nhỏ đối với người dân ở đây.
Những ngôi nhà bằng tôn, tre,nứa tạm bợ trên mặt nước. |
Tuy gọi là nhà, nhưng những ngôi nhà này cũng
không phải là “tổ ấm” thật sự theo đúng nghĩa của nó. Do bưng kín bởi các tấm
phibrôximăng, bao bố nên mùa nắng thì căn nhà nóng như cái lò, mùa mưa bão thì
ngập, dột khắp nơi, họ phải xin vào nhà những hộ xây kiên cố trong làng để
tránh trú bão.
Chúng tôi ghé vào ngôi nhà “chồ” của gia đình anh Bùi Văn Lơn và chị Trần Thị
Sen cũng là lúc anh vừa đi đánh cá về. Chị đang chuẩn bị bữa trưa. Thực đơn bữa
trưa của gia đình là mấy con cá sông bằng ngón tay anh vừa thả lưới được.
Thức ăn bữa trưa của anh Lơn, chị Sen là mấy con cá mà anh đánh được |
Anh Lơn cho biết: “Đứa con gái út bị bệnh tim,
mới đi mổ ở bệnh viện về, hai vợ chồng phải thay nhau ở nhà chăm sóc nên không
đi làm được, mọi chi phí sinh hoạt cũng vì thế mà cắt giảm theo”. Được biết,
gia đình anh trước kia là dân vạn đò làm nghề cá trên sông. Theo chủ trương di
dân lên bờ định cư ở thôn An Truyền, mong được “an cư lập nghiệp”.
Nhưng đã gần 6 năm mà cuộc sống vẫn không thay
đổi gì nhiều so với ngày còn lênh đênh trên sông nước. Một ngày anh, chị chỉ
kiếm được 30.000 – 45.000 đồng, với từng ấy thì không thể nào đủ cho 5 miệng ăn
trong gia đình. Chưa kể phải lo chuyện học hành, thuốc thang cho mấy đứa con
nay ốm, mai đau. Trong căn nhà, thứ đáng giá nhất mà chúng tôi nhìn thấy là
chiếc quạt cũ kĩ, hoen gỉ được ưu tiên cho đứa út mới đi bệnh viện về dùng
trong mùa hè.
Cũng như anh Lơn, gia đình anh Trần Hứa (44 tuổi) cũng là dân vạn đò lên định
cư ở làng An Truyền. Hoàn cảnh gia đình đã nghèo khổ, vợ chồng anh lại được
trời “thương” cho tới 6 người con, mà đứa này chỉ sát đứa kia chỉ nửa cái đầu
nên cái nghèo cái khổ cứ bám riết lấy gia đình anh như một cái nợ truyền kiếp.
“Ngôi nhà “chồ” này làm từ khi tui lên bờ đến
nay cũng được 6 năm. Số tiền gần 7 triệu đồng nợ làm nhà còn chưa trả hết mà
nhà đã dột nát, chắc chỉ trận bão nhỏ nữa là đổ mất. Những ngày mưa lớn và có
bão thì cả nhà phải ôm chăn mền, dắt díu nhau đi ở nhờ nhà hàng xóm, cực lắm
chú ạ!” - anh Hứa giãi bày
Lên định cư nhưng anh Hứa không có đất làm ruộng. Để mưu sinh anh phải làm đủ
nghề, từ đánh cá, đến nghề “thợ đụng”, tức là đụng gì làm nấy. Lúc thì anh theo
công trình làm phụ xây, lúc rảnh thì đan lưới, đồ nghề đánh cá để bán kiếm thêm
thu nhập.
Chỉ riêng trong làng An Truyền đã có tới 3 xóm nhà “chồ” sống trên mặt nước với
hơn 40 hộ dân. Và các hộ này đều có một điểm chung là sống trong nghèo túng và
cực khổ.
Lối thoát nào cho xóm nhà “chồ”
Đối với người dân nơi đây, ước mơ về một cuộc sống không phải lo cái ăn, cái
mặc hằng ngày quả là quá xa vời. Dẫu biết cực là vậy, muốn vươn lên thoát nghèo
nhưng anh Lơn, anh Hứa và hàng chục hộ dân ở đây cũng chẳng thể làm gì khác
được, khi mà không ai trong số họ nhận được một nguồn vay vốn hay hỗ trợ từ các
đoàn thể hay tổ chức nào.
Anh Lơn cho biết: “Hiện gia đình tôi chưa gia nhập các tổ chức xã hội nào cả,
ngay đến tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,... cũng không. Nên cũng vì thế
không thể làm đơn vay vốn hay có được sự hỗ trợ. Cũng chỉ vì nghèo và không có
gì đáng giá để thế chấp nên cũng không thể tiếp cận các nguồn vốn vay phát
triển kinh tế mong thoát nghèo được”.
Sống và sinh hoạt trên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Từ khi đưa dân lên bờ, chính quyền cũng không
có các dự án hay các chương trình dạy nghề cho người dân. Mà dù có dạy nghề
nhưng do hạn chế không biết chữ, nhận thức thấp nên người dân cũng chỉ biết tới
chài lưới và làm “thợ đụng” mà thôi.
Với tâm lí “trời sinh trời dưỡng”, các hộ dân ở đây cũng rất “siêng đẻ”. Đa số
gia đình ở đây đều có 3-4 đứa con. Vì nghèo khổ, lại đông con nên việc học hành
của các em không được coi trọng. Con em các hộ ở đây mặc dù trong độ tuổi đến
trường nhưng đi học rất ít và thường bỏ học giữa chừng. Một phần vì gánh nặng
chi phí học tập, sách vở, phần vì các em đi học lại không nhận được các chính
sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, các em phải phụ giúp gia đình làm việc nên không có
thời gian học tập, vì vậy các em không theo kịp các bạn và kết quả cũng không
cao.
Không chỉ sống trong những căn nhà tạm bợ, cuộc sống nghèo khó, mà môi trường
sống, nguồn nước ở những xóm nhà “chồ” cũng ô nhiễm nghiêm trọng. Những căn nhà
này đều dựng trên mặt nước, mọi sinh hoạt, ăn ở đều trên nhà và thải xuống dòng
nước dưới sàn. Do tình hình ô nhiễm như vậy nên tỉ lệ trẻ em ở đây bị mắc các
bệnh về da liễu, viêm nhiễm khá cao.
“Một tháng mỗi hộ chỉ được cấp 4m3 nước sạch để dùng, ngoài ra chúng tôi phải
dùng nước ở dưới sông. Tuy biết nguồn nước ô nhiễm, độc hại, nhất là mấy đứa
trẻ nhưng biết làm sao được”, anh Lơn than thở.
Để ước mơ thoát nghèo, hết khổ của người dân xóm nhà “chồ” thành hiện thực, rất
cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền với các giải pháp triệt để và chính
sách căn cơ trong việc tái định cư. Bên cạnh đó là sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức
cùng với hướng phát triển nghề nghiệp lâu dài cũng như cải thiện chất lượng
sống cho người dân.
Bài và ảnh: Hưng Nguyên