Làng Thủy Trầm vào mùa cá chép

Giữa tháng Chạp, chúng tôi về thăm làng Thủy Trầm xã Tuy Lộc (Cẩm Khê - Phú Thọ), ngôi làng vùng ven sông Thao từ lâu được gần xa biết đến là làng nuôi cá chép đỏ phục vụ cho tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Từ tấm biển báo làng nghề giản dị nằm ở đầu làng, theo con đường bê tông vào giữa làng, đâu đâu cũng thấy không khí chăm sóc cá chép để chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới…


Làng nghề nuôi chép đỏ


Gặp cụ ông ở đầu làng, chúng tôi hỏi: “Thủy Trầm sắp thu hoạch cá chưa ông?”. Ông cụ nhanh nhảu trả lời: “ Có rồi chú ạ! Mấy hôm nữa thôi là tấp nập lắm”. Nghe ông cụ nói vậy, tuy chưa được tận mắt chứng kiến cảnh thu hoạch cá chép đỏ nhưng tôi đã mường tượng ra không khí hối hả và sắc màu đỏ rực nơi miền quê hữu tình này.

 

Ao dành cho nuôi cá chép ở Thủy Trầm.


Thủy Trầm như bao làng khác của xã Tuy Lộc nhưng làng này từ lâu được biết đến và nức lòng người dân bao vùng bởi nhờ nghề nuôi cá chép đỏ, loại cá được thị trường ưa chuộng vào dịp cúng ông Công, ông Táo, một tín ngưỡng văn hóa truyền thống của dân tộc. Chẳng thế mà, chạm bước tới đầu làng Thủy Trầm, ấn tượng đầu tiên của làng là ngoài nhà ở, ruộng và bãi trồng hoa màu thì Thủy Trầm khá nhiều ao. Ao liền nhau san sát xung quanh nhà, ao liền kề ngay đường bê tông. Một trong những đặc điểm của ao làng Thủy Trầm là ao không quá rộng và không quá sâu, bờ ao thấp và bằng. Lý do Thủy Trầm nhiều ao như vậy là do người dân ươm và nuôi giống chép đỏ quanh năm. Và đến tháng Chạp, sẽ là dịp thu hoạch cá của dân làng.

 

Rực rỡ cá chép làng Thủy Trầm.


Là vùng có đa số người dân làm nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, Thủy Trầm có 3 khu hành chính, trong đó, người dân ở khu 3 tập trung nuôi nhiều cá chép đỏ nhất. Theo người dân ở đây, nuôi cá cả năm mới thu hoạch một lần vào dịp tháng Chạp và bán cá giống nên người dân tận dụng những ao nước nông, ruộng trũng để thả cá. Bên cạnh mục tiêu làm kinh tế thì trọng tâm của làng Thủy Trầm, nuôi cá chép đỏ như một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay của người dân nơi đây. Chính vì vậy, khi nuôi, người dân Thủy Trầm chăm sóc cá và cho ăn những thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác. Cá cúng ông Táo ông Công phải khỏe, đẹp, đỏ rực cả khi mang đi các địa phương khác.


Những ngày giáp 23 tháng Chạp, làng Thủy Trầm rộn rã và tấp nập. Ấy là bởi nhiều người từ phương xa đến tận ao để mua cá chép đỏ mang về xuôi bán cho kịp ngày, người nông dân quanh năm chăm sóc cá, giờ đến ngày hái quả vừa mừng vừa bận rộn cất vó lên những mẻ cá vừa đẹp, khỏe và tươi. Cá chép đỏ làng Thủy Trầm ngày càng vươn xa ra thị trường. Nhiều lái buôn ở Vĩnh Phúc, Việt Trì, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… đã không tiếc công lặn lội lên tận làng để mua cho được giống cá chép đỏ tươi về cung cấp cho người dân. Chợ phiên Thủy Trầm những ngày này rực đỏ màu cá chép. Người dân đi chợ bán cá như để làm giàu thêm tín ngưỡng của làng quê mình vậy. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng càng tô thêm sắc đẹp của cá. Những năm gần đây, cá chép còn được đựng trong túi ni lông, người mua có thể ngắm cá nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mua về. 


Gắn với phát triển kinh tế


Nuôi cá chép đỏ đối với người dân làng Thủy Trầm xưa kia chỉ là gắn với tâm linh. Ngày nay, nét văn hóa ấy vẫn còn, song nó gắn với phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Vì vậy, những năm gần đây, người nông dân ở Thủy Trầm đã bắt tay vào cải tạo ao đầm để quy hoạch và khoanh nuôi cá chép. Biết thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về loại cá này vào dịp tháng Chạp nên nhiều hộ dân đã đầu tư thực sự và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi cá chép được bắt đầu từ tháng 6-7 âm lịch và chăm sóc đến tận tháng Chạp.


Việc nuôi cá chép đỏ không hề dễ dàng bởi nuôi thả giống cá này phải từ loại cá bột và nuôi lớn để bán. Hơn nữa, chế độ ăn, nước và vệ sinh ao chuôm cũng hết sức cẩn thận. Cá bán ra thị trường có nhiều loại. Có loại bé 5-6 con/1 kg, loại to thì 2 con/1 kg… Thông thường, trên thị trường có nhu cầu lớn về loại cá chép vừa vừa chứ không quá to. Nhờ mô hình nuôi cá chép đỏ, với giá hiện nay là 100.000 đồng/1 kg, các hộ dân ở Thủy Trầm có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng tùy theo quy mô nuôi lớn hay nhỏ.


Những ngày này, người dân Thủy Trầm đang hồi hộp chờ đến ngày cất vó, họ cố gắng chăm chút cá để có những mẻ cá chép vừa khỏe, đẹp vừa rực đỏ. Chỉ vài ngày nữa thôi, làng Thủy Trầm sẽ thêm sắc màu đỏ rực của cá chép. Cá chép Thủy Trầm sẽ vươn ra thị trường và nghề nuôi cá chép nơi đây sẽ là cơ hội thoát nghèo của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.



Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Hăm ba ông Táo về Trời…
Hăm ba ông Táo về Trời…

Từ thuở con người bắt đầu từ bỏ cung cách ẩm thực “ăn sống nuốt tươi”, cái bếp đã dần trở thành vô cùng quan trọng. Bởi bếp là nguồn sống; là nơi phát khởi, lưu giữ sự ấm và sự no.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN