Làng, bản văn hóa không có người sinh con thứ 3

Để đạt được danh hiệu làng văn hóa đã khó, nhưng giữ được danh hiệu này còn khó hơn, bởi nhiều làng văn hóa đang phải đối mặt với tình trạng người sinh con thứ 3 trở lên gia tăng.


Tuy nhiên, nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An lại đang thực hiện tốt mô hình kép: Xây dựng làng, bản, thôn xóm không có người sinh con thứ 3, gắn với việc xây dựng thôn xóm văn hóa.

Công tác tuyên truyền về dân số tại Nghệ An.

Dù có rất nhiều gia đình kinh tế khá giả, gia đình sinh con một bề, nhưng hơn 10 năm nay ở xóm 8, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Có được kết quả này chính là nhờ sự thay đổi nhận thức của người dân. Họ đã hiểu được việc sinh con ra là phải chăm sóc, nuôi dạy học hành nên người, không phải sinh ra để cho có đủ “nếp” hay “tẻ”. Ông Nguyễn Đức Hòa - Bí thư Chi bộ cho biết: Để thực hiện chủ trương này, những đảng viên, ban cán sự xóm là những người gương mẫu đi đầu trong việc vận động con cháu thực hiện chính sách dân số. Đồng thời, tuyên truyền cho những người lớn tuổi, người có vai vế trong gia đình, họ tộc trong dòng họ để không gây áp lực cho con cháu sinh con theo giới tính. Nhờ thực hiện những biện pháp trên, xóm 8 là một trong những xóm đầu tiên của xã Xuân Hòa được công nhận xóm văn hóa, mức sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đậu đại học của xóm cao nhất xã.

Nam Đàn là một trong rất nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An thực hiện tốt mô hình làng, xã không có người sinh con thứ 3, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tuyên truyền vận động người dân thì mỗi năm chính quyền huyện Nam Đàn dành gần 200 triệu đồng để khen thưởng cho gần 120 xóm, làng không có người sinh con thứ 3 nhằm khuyến khích các đơn vị làm tốt chính sách dân số. Nếu như năm 2000, khối xóm đạt danh hiệu văn hóa của huyện Nam Đàn chỉ đạt 11,3% thì nay đã nâng lên 66%. “Phong trào xây dựng khối xóm văn hóa không chỉ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội mà còn tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân trong việc thực hiện chính sách dân số. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Nam Đàn là một trong 5 huyện của tỉnh Nghệ An đạt mức sinh thay thế”, ông Dương Đỉnh Sơn - Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Nam Đàn cho biết.

Không chỉ có huyện Nam Đàn, mà hàng năm Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình các huyện, thành, thị tham mưu với UBND huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát động phong trào thi đua xây dựng thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên; triển khai ký cam kết giữa hộ gia đình, đưa nội dung xây dựng “xã, phường, thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên” vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân số. Để việc xây dựng làng văn hóa thực chất, đảm bảo khách quan, đúng quy định, trước khi ra quyết định công nhận, chính quyền địa phương các huyện đều phải thành lập đoàn kiểm tra và nếu địa phương nào có người vi phạm thì cương quyết không chấp nhận. Những thôn, xóm sau khi được công nhận văn hóa, nếu phát hiện có gia đình vi phạm cũng sẽ xem xét để tước danh hiệu.

Theo thống kê, mỗi năm, tỉnh có trên 1.000 thôn, xóm được công nhận không có người sinh con thứ 3, trong đó có hàng trăm thôn xóm đạt từ 5 năm trở lên. Không chỉ có chính quyền huyện, thành phố, thị xã mà nhiều xã, phường cũng đã có chính sách khen thưởng dành cho những đơn vị làm tốt chính sách dân số với nguồn chi thưởng mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, từ phong trào này, tỷ lệ làng xóm được công nhận văn hóa ngày một nâng lên. Sau 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có 3.368/5.898 làng, bản, khối phố văn hóa, đạt 57,1% (tăng 50,1%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVII đề ra là 7,1%.

“Để đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, bản, thôn xóm không có người sinh con thứ 3 gắn với việc xây dựng thôn xóm văn hóa, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới thì các địa phương, nhất là những nơi đã được công nhận làng văn hóa, người dân cần có ý thức, trách nhiệm hơn với chính cộng đồng và danh hiệu đã đạt được. Cụ thể hơn là mỗi người dân, mỗi gia đình thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu đã đạt được. Về phía chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các sinh hoạt câu lạc bộ, hội họp thôn xóm để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng”, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An khẳng định.
Bích Huệ
Bản Khơ Mú không có người sinh con thứ 3
Bản Khơ Mú không có người sinh con thứ 3

Nhờ thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, hơn 20 năm qua, bản Thàn với 100% người dân tộc Khơ Mú sinh sống và là một trong những bản khó khăn nhất của xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La; không có người sinh con thứ 3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN