Đặc biệt, toàn tỉnh có 695 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên với số tiền 41,25 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lực, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhiều và kéo dài là do phần lớn các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, một số có năng lực nhưng do tác động của kinh tế thị trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa chú trọng tới chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội.
"Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh về xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội", ông Trần Văn Lực nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội cũng thành lập các tổ thu nợ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện, thành phố; phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh xây dựng quy chế về kiểm soát chi gắn với thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng. Đối với các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên, đơn vị sẽ thanh tra chuyên ngành thường xuyên, nếu cố tình chây ỳ sẽ chuyển Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt theo quy định.
Đến tháng 10/2017, lũy kế thu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum là hơn 630,8 tỷ đồng, đạt 73,17% kế hoạch thu, tăng 100,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 351 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp 22,1 tỷ đồng, bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 3 tỷ đồng và bảo hiểm y tế 251,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh Kon Tum có 1.670 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 38.360 lao động; trong đó 1.091 đơn vị hành chính, sự nghiệp tham gia cho 24.930 lao động và 579 doanh nghiệp tham gia cho 13.430 lao động.