“Đã có trên 20 cháu bé đã ra đời nhờ áp dụng phương pháp nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng. Như vậy, dù không có tinh trùng nhưng người đàn ông vẫn có thể có được đứa con đẻ của chính mình”, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y, cho biết.
Nhu cầu điều trị cao
Tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh là khoảng 10%, trong đó khoảng 40% vô sinh do nữ, 40% do nam và 20% không rõ nguyên nhân. Trong số 40% nguyên nhân vô sinh do nam thì có khoảng 10% là hoàn toàn không có tinh trùng, 90% còn lại là do tinh trùng yếu, ít.
“Nguyên nhân không có tinh trùng là do tắc đường ống dẫn tinh, mắc bệnh lậu, giang mai… hoặc là do rối loạn sinh tinh, trong đó có nhóm bất thường sinh tinh, chỉ có tinh tử chứ không có tinh trùng. Những trường hợp này muốn có con, trước nay thường phải xin tinh trùng của người khác”, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y, cho biết.
Theo PGS.TS Lâm, hiện nay, số cặp vợ chồng hiếm muộn con tới Trung tâm đề nghị được điều trị vô sinh ngày một tăng, trong đó phần lớn do người chồng không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu.
Tiến hành sinh thiết mở tinh hoàn (MESA) phân lập. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN |
“Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiến hành khoảng 200- 250 ca phẫu thuật sinh thiết tinh hoàn để chẩn đoán khả năng nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng, 1/2 số đó có thể áp dụng phương pháp này, số còn lại thì phải xin tinh trùng từ ngân hàng. Trung bình một buổi phẫu thuật, các bác sĩ của Trung tâm thường phải tiến hành mổ sinh thiết tinh hoàn cho 5- 7 bệnh nhân, từ 25- 60 tuổi”, PGS.TS Lâm cho hay.
Hiện nay, Trung tâm Công nghệ phôi đang triển khai nuôi cấy tinh trùng từ những giai đoạn sớm nhất, phát triển tinh trùng từ tinh nguyên bào, tinh bào 1, tinh bào 2. Tuy nhiên, đây là một nghiên cứu rất phức tạp vì quá trình nuôi cấy tế bào càng qua nhiều giai đoạn phi tự nhiên thì càng nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng nuôi cấy. Cũng chính bởi vậy nên các nhà khoa học rất lo ngại xảy ra tình trạng “trắng tinh trùng” (tức không có tinh trùng) ở những em bé ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tế bào, thậm chí cả thế hệ kế tiếp trong tương lai cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ này. |
Chúng tôi tới Học viện Quân y vào đúng ngày Trung tâm Công nghệ phôi tiến hành mổ sinh thiết tinh hoàn để đánh giá khả năng nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng cho 7 đấng mày râu và chuyển phôi cho 7 chị em hiếm muộn. Ngồi phía ngoài hành lang, đợi ông xã làm phẫu thuật sinh thiết tinh hoàn, chị Nguyễn Thị V., sinh năm 1983, Thanh Trì, Hà Nội, ngân ngấn nước mắt nói: "Sau khi lấy chồng được gần 1 năm vẫn chưa thấy có con, tôi và ông xã vội vàng đi khám ngay và BS cho biết nguyên nhân do tinh trùng của chồng tôi không khỏe. “Có bệnh thì vái tứ phương”, nên thuốc đông y cũng uống, Bệnh viện Phụ sản TƯ cũng đã vào... nhưng 3 năm nay cũng chưa có kết quả gì".
Nhờ người quen "mách nước", vợ chồng chị V. đã tìm đến Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y. Sau nhiều lần khám, xét nghiệm, chồng chị V. đã "lọt" vào danh sách làm phẫu thuật sinh thiết tinh hoàn để lấy tinh tử nuôi cấy thành tinh trùng.
"Nghe nói, có người "đậu" ngay lần đầu nhưng cũng có người phải phẫu thuật tinh hoàn nhiều lần... Nhưng chúng tôi đã xác định rồi, dù khó khăn đến mấy, dù chỉ còn 1% hy vọng thì chúng tôi cũng vẫn cố gắng để có được mụn con do chính mình sinh ra", chị V. thoáng lo lắng nhìn về phía căn phòng phía cuối hành lang, nơi chồng chị vừa bước vào để làm phẫu thuật.
10% trường hợp thành công Giải thích về phương pháp điều trị vô sinh nam bằng cách nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, nói: “Quá trình hình thành tinh trùng trải qua 5 giai đoạn: Tinh nguyên bào, tinh bào 1, tinh bào 2, tinh tử, tinh trùng. Một số nam giới tiền sử bị quai bị, tổn thương cơ quan sinh dục… thì quá trình sinh tinh dễ bị rối loạn, không tạo được tinh trùng ở giai đoạn cuối cùng (chỉ dừng lại ở giai đoạn tinh tử). Nhưng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng sẽ khắc phục được sự rối loạn này, giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có được đứa con của chính mình”.
Do đó, sau khi được khám, xét nghiệm, sàng lọc và được chẩn đoán chính xác là bị bất thường rối loạn sinh tinh, có tinh tử nhưng không có tinh trùng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật, mở tinh hoàn, phân lập tinh tử và cho vào môi trường nuôi cấy để phát triển thành tinh trùng.
“Tinh tử khác tinh trùng là có dạng hình tròn không có đuôi, không có khả năng thụ tinh nên gây vô sinh. Nhưng sau khi được nuôi cấy trong ống nghiệm thì những tinh tử này sẽ mọc đuôi ngắn. Sau đó, chúng tôi sẽ chọn lựa tinh trùng tốt nhất, tiêm vào trứng người vợ để tạo phôi. Sau 3 ngày nuôi cấy, phôi sẽ được chuyển vào tử cung người vợ như phương pháp thụ tinh nhân tạo thông thường. Đến nay, đã có hơn 20 cháu bé đã ra đời khỏe mạnh nhờ áp dụng phương pháp này, tỉ lệ thành công đạt khoảng 10%. Chi phí tăng khoảng 10 triệu đồng so với một ca thụ tinh nhân tạo thông thường”, PGS.TS Quản Hoàng Lâm cho biết.
Trên 20 cháu bé ra đời khỏe mạnh trong vòng 4 năm áp dụng phương pháp điều trị mới này, đó là một kết quả khả quan vượt qua cả sự mong đợi của chính các bác sĩ Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện quân y. Và “tiếng lành đồn xa” nên trong tương lai hẳn còn rất nhiều em bé nữa được ra đời từ phương pháp đặc biệt này, đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, ngày đêm mong ước có được mụn con do chính mình sinh ra.
Phương Liên