Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp. Hiện bệnh cũng chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; trong khi nhiều năm qua, bệnh tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Mặt khác, vi rút bệnh tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại các tỉnh phía Nam từ ngày 11/4, với một ổ dịch ở tỉnh Hậu Giang. Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại hơn 30 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy gần 5.000 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các tỉnh phía Nam là khu vực đặc biệt nhạy cảm với dịch tả lợn châu Phi, bởi Đông Nam bộ là nơi có đàn lợn lớn nhất cả nước và TP Hồ Chí Minh với 12-14 triệu dân là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của khu vực. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn là mối lo lớn về môi trường, bởi địa hình ở đây thấp trũng, thường xuyên ngập úng, chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ.
Theo ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y, các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa mưa, các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát, vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực. Đặc biệt, nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lợn lớn, không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Đánh giá về tình hình công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua ở các địa phương, ông Bạch Đức Lữu cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh còn tồn tại nhiều bất cập như phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Số cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh còn thấp so với tổng số trang trại chăn nuôi lợn trong khu vực (chỉ chiếm 13,1%) và so với tổng đàn lợn trong khu vực (chỉ chiếm 18,5%). Hầu hết các chủ hộ chăn nuôi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc vùng Đông và Tây Nam bộ vừa qua chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh; khu vực vẫn còn tồn tại tình trạng giết mổ trái phép...
Tập trung tối đa các giải pháp phòng dịch
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Randolph Reinecker Zoerb, Phó Tổng Giám đốc sản xuất, đào tạo trại của Tập đoàn chăn nuôi Greenfeed Việt Nam, cho hay muốn phòng, chống dịch bệnh tốt phải đánh giá sức khỏe đàn trong trại như thế nào, giám sát vận chuyển thức ăn, vật dụng khi các phương tiện ra vào trại... Ngoài vấn đề chuồng trại, cần kiểm tra nguồn thức ăn, như nguyên vật liệu nhập khẩu đối với mặt hàng cám có đảm bảo hay không. “Các tỉnh thực hiện phòng, chống tốt nhưng không kiểm soát tốt hàng nhập khẩu thì bất ổn. Phải nâng tầm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lên cấp quốc gia”, ông Randolph Reinecker Zoerb đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, phát hiện sớm, xử lý ngay là một trong những yếu tố rất quan trọng để xử lý dịch bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, việc xử lý cần phải thực hiện triệt để và đồng bộ toàn vùng; đồng thời các tỉnh phải xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ khác nhau, tránh tình trạng ban đầu hăng hái về sau lơ là. Song song đó, cần phải có một quy trình cụ thể trong an toàn sinh học như phun loại gì, phun mấy lần trong một ngày, phun ở đâu…
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và những tồn tại trong công tác phòng chống dịch bệnh của các địa phương trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các tỉnh phía Nam phải gấp rút tổng rà soát lại phương án phòng và dập dịch, đồng thời xây dựng kịch bản mới với những phương án đầy đủ, hoàn chỉnh nhất và phải lường trước được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trong thời gian sắp tới.
Theo đó, tất cả từ người dân đến chính quyền phải vào cuộc một cách quyết liệt mới có thể dập được dịch. Người đứng đầu chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, địa phương phải chủ động có những chính sách kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi; đồng thời hướng dẫn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong công tác vệ sinh, tiêu độc...
“Đặc biệt đối với các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công tác xử lý, tiêu hủy, chôn lấp xác lợn nhiễm bệnh phải hết sức chú trọng. Bởi với tình hình địa hình, khí hậu ở đây, việc tác động ảnh hưởng đến môi trường là rất nghiêm trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các hộ nông dân không tái đàn trong thời điểm này, trừ khi dịch đã ổn định. Khi cơ quan quản lý thông báo cụ thể thì mới có thể tái đàn. Tuy nhiên, hiện Bộ cũng đã bàn với các địa phương chuyển hướng chăn nuôi khác cho người dân.