Khống chế, không để bệnh tay chân miệng lây lan diện rộng

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã và đang tăng cường biện pháp phòng, chống nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 192 ca mắc và 6 ổ dịch, phân bố tại các địa phương: huyện Tuy Phước 38 ca, thành phố Quy Nhơn 24 ca, huyện Phù Cát 11 ca, thị xã An Nhơn 24 ca, huyện Phù Mỹ 10 ca, thị xã Hoài Nhơn 26 ca, huyện Hoài Ân 16 ca, huyện Tây Sơn 14 ca, huyện Vân Canh 21 ca, huyện Vĩnh Thạnh 7 ca và huyện An Lão 1 ca.

So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc tăng 121 ca và số ổ dịch tăng 3 ổ. Dự báo, thời gian tới, nếu các địa phương không triển khai quyết liệt, kịp thời biện pháp phòng, chống dịch thì số ca mắc có khả năng tiếp tục gia tăng.

Trước tình hình trên, để chủ động hơn trong công tác phòng, chống tay chân miệng, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh; phát hiện sớm ổ dịch mới, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để ngay khi có dịch xảy ra. Trung tâm thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và hỗ trợ tuyến dưới trong công tác giám sát, đánh giá và xử lý ổ dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm bảo sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, kịp thời hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu, không để bị động trong công tác ứng phó dịch bệnh.

Sở Y tế cũng đề nghị, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trường học; tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và rửa tay bằng xà phòng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần tổ chức tốt việc phân luồng, phân tuyến khám và điều trị bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng; bố trí khu vực điều trị riêng, hạn chế người nhà tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh; đặc biệt lưu ý theo dõi sát và xử lý kịp thời trường hợp bệnh nặng, hạn chế tối đa trường hợp biến chứng hoặc tử vong.

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị, đặc biệt là bệnh tay chân miệng và bệnh truyền nhiễm khác như sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp; đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân...

Lê Phước Ngọc (TTXVN)
Bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu gia tăng trở lại
Bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu gia tăng trở lại

Ngày 23/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh báo cáo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn trong tuần 16 năm 2025 (từ ngày 14 - 16/4). Đáng chú ý, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại thành phố tăng 35,5% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN