Khơi dòng cho giảng dạy lịch sử

Thực trạng dạy và học, nghiên cứu lịch sử không được đầu tư đúng mức thời gian gần đây trái ngược lại với truyền thống của chúng ta. Trong lịch sử, những bộ sách nghiên cứu lớn nhất của ông cha chúng ta không phải gì khác là những bộ sách sử… Và giờ đây, nhiều trung tâm nghiên cứu giảng dạy lịch sử vẫn tiếp tục hoạt động chứng tỏ tình yêu này vẫn đang tồn tại, hứa hẹn nếu cố gắng việc giảng dạy lịch sử sẽ được khai thông.

GS sử học Đinh Xuân Lâm:

Tôi vẫn tin giảng dạy lịch sử rồi sẽ khởi sắc

GS Đinh Xuân Lâm là người gắn bó với giáo dục lịch sử ở phổ thông hơn cả trong tứ trụ của ngành sử học nước nhà Lâm- Lê- Tấn- Vượng. Phần vì chuyên ngành nghiên cứu lịch sử cận- hiện đại của ông chiếm phần quan trọng trong chương trình thi tốt nghiệp THPT, thi đại học. Phần vì ông có kinh nghiệm “va chạm” với việc biên soạn sách giáo khoa. Cùng GS Đinh Xuân Lâm nhìn lại việc học và dạy sử ở bậc phổ thông.

Kênh chính để truyền bá lịch sử- dạy sử ở phổ thông đang mắc ở đâu, thưa GS?

Tôi thấy nó có nhiều vấn đề lắm. Khâu mắc đầu tiên là nhìn nhận vị trí môn sử trong chương trình đào tạo không đúng. Thực tế môn sử có vị trí rất quan trọng vì nó đào tạo con người, nhân cách. Nhưng mình giáo dục chưa đúng, cộng thêm tác động của kinh tế thị trường, chạy đua lợi trước mắt, nên ngay bố mẹ cũng không khuyên con học sử. Đến ngay cả thầy giáo cũng chỉ coi nó là học thuộc lòng, không ứng xử với nó như môn khoa học. Vì không quan trọng, nên tới kỳ tốt nghiệp THPT năm thi năm không. Các trường chỉ chờ đến lúc có công bố không thi sử là bỏ luôn, để dành thời gian cho dạy, luyện môn khác. Nếu Bộ GD-ĐT coi nó quan trọng thì năm nào cũng phải thi chứ.

Ứng dụng lược đồ khiến bài học lịch sử thêm dễ hiểu. Ảnh: Lê Phú


Nhưng nếu chỉ học để thi, học vì sợ thì làm sao học trò có tình yêu với môn học được, thưa GS?

Phải gây hứng thú cho nó, bằng phương pháp truyền đạt. Trải nghiệm gần đây tôi thấy giáo viên phổ thông trình độ hạn chế, phương pháp cũng không tốt. Họ quá lệ thuộc SGK, sách giáo viên. Do đó, truyền đạt áp đặt, thậm chí phi lý. Đến cả câu hỏi kiểm tra bài cũng không dám hỏi khác sách hướng dẫn. Đứng lớp lúc nào cũng chỉ sợ cháy giáo án. Như thế thật tai hại. Học sinh chỉ ngồi nghe không, chẳng được đóng góp gì. Có lẽ, chỉ có một điểm đồng cảm giữa thầy cô và học trò là gặp nhau ở chỗ chán.

Nhưng nếu SGK không quá tệ thì việc nhất nhất tuân thủ sách cũng không quá chán, thưa GS?

Sách nặng quá. Học sinh bị bắt nhớ quá nhiều sự kiện. Cách soạn sách cũng không khoa học. Cứ lấy của mỗi người một nơi rồi ghép lại.

Việc phản biện sách cũng chưa ổn. Những người tham gia phản biện tin tưởng hoàn toàn vào nhóm làm. Nói chung cách làm luộm thuộm, đặc biệt là so với hình thức Ban Tu thư trước đây- điều mà giờ ta không có.

Tôi cũng muốn nói qua về hoạt động của ban này. Ban tập hợp những người dạy giỏi của cả nước, làm việc thời gian ngắn vài ba tháng và dựng chương trình ít nhất là hợp lý, bởi ít nhất họ có trình độ. Chúng ta đã không có Ban Tu thư, đã thế nếu có phản biện, phần nhiều là hội đồng đồng thuận.

Sự hấp dẫn của lịch sử nằm ở các các ngụ ngôn. Xin ông cho biết chúng đã được thể hiện trong SGK như thế nào. Liệu chúng ta có những bài học về thành công, hay thất bại thấu đáo không, trường hợp Hồ Quý Ly- nhà cải cách không gặp thời chẳng hạn.

Môn sử có yêu cầu phải nói sự thật. Còn lịch sử trong SGK giờ nhiều khi phục vụ chính trị một cách sống sượng. Cái gì cũng phải nói mặt tốt. Cho nên nhiều người tham gia soạn sách máy móc lắm. Ông ấy đòi phải nói rõ mỗi trận đánh Mỹ chết bao nhiêu. Nhưng bên ta tuyệt nhiên không nói con số thương vong. Nên chúng tôi nói đùa là nếu cộng lại trong SGK số lính Mỹ chết trận thì sẽ được con số đông hơn đội quân Mỹ mang sang Việt Nam. Chỉ con số- sự kiện để bắt nhớ như vậy thì làm sao có phân tích tìm ra bài học thiết thân được. Tôi nói với học sinh, chúng tôi cũng không nhớ hết đâu.

Truyện tranh lịch sử là “kênh phụ” giúp học sử tốt.


GS Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu toán cao cấp:
Gắn dạy lịch sử với dạy phân tích


Lịch sử xảy ra như nó xảy ra. Thắng lợi đến bởi có sự hy sinh của rất nhiều người. Biện luận lịch sử một cách ngây thơ khi nghĩ chiến thắng là tất yếu chính là hạ thấp sự hy sinh của những người đã chiến đấu cho chiến thắng.

Nếu muốn được đưa gì thêm vào sách sử, tôi muốn nó nói nhiều về Vương quốc Chămpa hơn nữa. Tôi muốn có thêm phân tích về sự tồn vong của một nền văn hóa cũng là một bộ phận của lịch sử Việt Nam.

Tôi cũng muốn học trò được phân tích về sự tồn tại của chúng ta bên cạnh một người láng giềng khổng lồ cứ lâu lâu lại có chiến tranh với mình.

Tôi cũng muốn khi giảng dạy lịch sử phải gắn với việc dạy phân tích nhiều hơn nữa. Giờ những kiến thức thô rất dễ tìm. Cái các em cần học là cách phân tích. Vì thế, phần nào, tôi mất cảm tình với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, bởi ngay sau câu hỏi là đáp án ngay. Tại sao không tổ chức những cuộc thi tranh luận. Ban giám khảo sẽ chấm xem ai bảo vệ quan điểm của mình tốt hơn. Bởi nói cho cùng, tranh luận cũng là một kỹ năng sống quan trọng.

PGS.TS Vũ Văn Quân, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV Hà Nội:
Hiểu biết lịch sử thì ý thức dân tộc sẽ tự giác hơn rất nhiều


Khi có quá nhiều bài thi sử bị điểm kém, ngay lập tức tất cả mọi người đều ầm ĩ. Nhưng cũng phải nhìn lại, chúng ta đang đánh giá thái độ, ý thức với kết quả của giáo dục lịch sử thông qua kênh nào. Đó là thông qua kênh thi đại học khối C. Nghĩa là, đang nhìn vào 6% thí sinh thi đại học khối C để đánh giá 100% học sinh phổ thông. Với tương quan như thế, không thể kết luận các em đều dốt cả. Học sinh khối C cũng không chắc đã giỏi về khoa học xã hội. Điểm sử tuy thấp, nhưng chắc chắn những em được sử thấp cũng có điểm văn, địa cũng không cao. Cũng như, tôi chắc chắn có nhiều em không thi khối C nhưng lại am hiểu lịch sử. Do đó, theo tôi việc dựa vào khối không đại diện để đánh giá chung là không thỏa đáng.

Nói không hiểu biết lịch sử thì không yêu nước là sai. Trước Cách mạng tháng Tám, 95% dân số ta có được đi học đâu mà họ yêu nước thế. Phải nói là nếu hiểu biết lịch sử thì tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với dân tộc sẽ ở trình độ tự giác hơn rất nhiều.

Nhưng cũng phải thấy rằng kênh chính thống để dạy lịch sử đang có vấn đề. Thế nên các em chán và sợ học sử. Nếu không thay đổi cách dạy, việc bắt ép đưa vào chương trình thi đại học để các em phải học sẽ khiến học trò học vì trách nhiệm, chứ không phải vì yêu. Mà cái gì đã sợ thì học hành chán lắm.

GS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam:
Những bộ sách nghiên cứu lớn nhất của ông cha đều là sách lịch sử


Thực trạng dạy và học, nghiên cứu lịch sử không được đầu tư đúng mức thời gian gần đây trái ngược lại với truyền thống của chúng ta. Trong lịch sử, những bộ sách nghiên cứu lớn nhất của ông cha chúng ta không phải gì khác là những bộ sách sử: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Lịch triều hiến chương ngoại chí…

Cách đây 3 năm, Hội Khoa học Lịch sử đã có hẳn một hội thảo về tình trạng dạy và học sử ở bậc phổ thông. Kết thúc hội thảo, Hội có hẳn một văn bản gửi Bộ GD - ĐT về hiện trạng và giải pháp cho tình trạng đó. Giờ đây, sau 3 năm, dạy và học lịch sử vẫn nhàm chán, nặng nề. Bản thân Viện Sử học cũng chưa được ngành giáo dục mời tham mưu về SGK và chương trình giảng dạy. Ý kiến của tôi giờ đây là không còn muốn có ý kiến nữa.

Hình như, với cách dạy đó, chúng ta đang có án oan ngập sách sử. Với học sinh, vua Gia Long thật xấu. Chẳng mấy ai biết đấy là một vị vua có sự nghiệp lẫy lừng ở trên biển, người đã khẳng định chủ quyền quốc gia ở trên biển khá sớm.

Không chỉ Gia Long “oan”, ngay Minh Mạng cũng là một ông giỏi chịu oan. Vua của nhà Nguyễn có đặc điểm là văn hóa rất cao. Nhưng sách lịch sử lại không dạy sử văn hóa. Nó quá nặng về quân sự, còn văn hóa lại kém.

Nói lại chuyện cũ, dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tràn ngập những con rồng Lý mà không phải rồng Lý với những tiêu chuẩn của nó, chẳng hạn có những nếp uốn khúc hình miệng túi. Nếu sử văn hóa được đưa vào giáo trình có lẽ mọi chuyện đã khác hơn.

Dạy lịch sử phải phản ánh tinh hoa lịch sử của dân tộc. Văn hóa bây giờ phải giữ được để không bị lai căng. Chứ trong quá khứ, và cả hiện tại, nước láng giềng lớn đang muốn đưa văn hóa lan tràn, xóa nhòa văn hóa của nước mình đi.

Thực lòng, ông nghĩ thế nào về việc chấn hưng lại việc giảng dạy môn sử?

Ngành giáo dục đã để mặc tình trạng dạy và học lịch sử bế tắc như thế này từ nhiều năm mà không xử lý tận gốc. Nhưng giờ, khi một quan chức tuyên bố sẽ phải đưa lịch sử vào các khối thi đại học thì lại rơi vào quá khích quá. Như thế, là đang đi lệch bên này rồi lại lệch sang bên kia.

Tôi tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bằng chứng là trong những cuộc tranh luận về nhiều vấn đề xã hội, tôi vẫn thấy người ta dẫn lịch sử như một luận điểm. Quan trọng hơn, tôi đã thấy có những câu lạc bộ cho học sinh yêu thích môn sử. Một trong những câu lạc bộ đó đang họat động ở Bảo tàng Cách mạng. Giáo viên trẻ, học trò phổ thông, họ say mê môn học này vô cùng. CLB sinh hoạt như người ta đến rạp xem phim vậy, giáo dục đấy nhưng tính ngoại khóa rất cao. Những điều tốt đẹp như vậy đáng để người ta đặt lòng tin và hy vọng.

Xin cảm ơn ông!

Cầm Trang (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN